(Người Chăn Nuôi) – Ngành sản xuất thịt và trứng gia cầm toàn cầu đạt tăng trưởng ấn tượng 65% và 50% trong hơn 15 năm qua. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, 2 lĩnh vực này sẽ đạt tăng trưởng bình quân 3,5%/năm đến năm 2028, vượt mức tăng trưởng của ngành thịt bò và heo. Chăn nuôi gà đẻ (trong lồng) và gà thịt (giống gà lớn nhanh) là những hệ thống sản xuất đạt hiệu quả cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, hình thức nuôi nhốt gà đẻ trong lồng bị chỉ trích ở nhiều trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Âu vì các vấn đề phúc lợi động vật. Nhà chức trách tại đây yêu cầu thực hiện các tiêu chuẩn phúc lợi động vật xuyên suốt mọi giai đoạn chăn nuôi từ tiêm phòng, tiêu hủy, vận chuyển đến giết mổ nhằm mục tiêu đảm bảo động vật có điều kiện sống tốt nhất và mọi nhu cầu cơ bản của chúng đều được đáp ứng.
Tại các nước phát triển, phúc lợi động vật luôn được chú trọng. Các hãng chế biến gia cầm tại Australia gây mê vật nuôi bằng điện hoặc khí trước khi giết mổ. Việc giết mổ gia súc nhân đạo giúp vật nuôi tránh đau đớn, stress và hoảng loạn nên quá trình giết mổ cũng nhanh chóng và an toàn hơn. Các cấp quản lý tại Australia đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn chăn nuôi bền vững và khuyến khích nông dân tuân theo. Trong chăn nuôi heo, quốc gia này cũng cam kết loại bỏ mô hình nuôi nhốt heo nái trong cũi vào năm 2017 hoặc chỉ được sử dụng không quá 6 tuần trong thời kỳ heo mang thai. Tại Australia, cả heo và bò đều bắt buộc phải gắn thẻ tai để dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Trong tất cả hệ thống canh tác, vật nuôi phải được tự do di chuyển, khỏe mạnh về thể chất, thoải mái về tinh thần và các nhu cầu tự nhiên đều được thỏa mãn mới đảm bảo được phúc lợi động vật. Từ năm 1992, Hội đồng phúc lợi động vật nông nghiệp Anh đã đề xuất khung đánh giá chung “5 không” về phúc lợi động vật trong chăn nuôi gồm: Không bị đói khát; Không bị đau đớn, tổn thương và bệnh tật; Không bị khó chịu; Không bị sợ hãi và căng thẳng; Không bị hạn chế các tập tính tự nhiên. Châu Âu là một trong những nơi đi đầu về phúc lợi động vật trong chăn nuôi bằng những hệ thống quy định và kiểm soát thực thi rất chặt chẽ. Luật phúc lợi động vật của Đức và châu Âu cấm hình thức cắt đuôi heo thường xuyên và chỉ được phép thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt. Ủy ban chân Âu (EC) cũng phản đối phương pháp cắt đuôi heo tại các quốc gia thành viên dẫn đầu về số lượng đàn heo và cho rằng phương thức thực hành chăn nuôi này không tuân thủ luật pháp của châu Âu.
Một đàn gà thả rông đang mổ bí ngô trên cánh đồng. Ảnh: Shutterstock
Liên minh phúc lợi gia cầm quốc tế (IPWA) cũng đã phát triển Danh sách KWIs nhằm đánh giá phúc lợi động vật trong chăn nuôi nhiều loại gia cầm khác nhau từ gà thịt, gà đẻ trứng đến gà tây. Đây là danh sách đầy đủ các tiêu chí đánh giá phúc lợi động vật đã được chuẩn hóa để làm thước đo phúc lợi gia cầm ở các giai đoạn sản xuất khác nhau. IPWA khẳng định, cam kết thực hiện các kế hoạch bền vững và chương trình phúc lợi không phải là điều mà các hãng chăn nuôi né tránh. Phúc lợi là vấn đề rộng lớn dễ khiến họ bị choáng ngợp nếu như không kiên trì cải thiện các chỉ số quan trọng về phúc lợi vật nuôi (KWIs). Không chỉ các trại nuôi mà rất nhiều hãng tiêu thụ thịt gà trên thế giới đã sử dụng KWIs làm thước đo phúc lợi động vật.
Tuy nhiên, phúc lợi động vật chỉ là một trong số những yếu tố mà người nuôi phải cân nhắc trong quá trình sản xuất bền vững. Các yếu tố xã hội, cũng như môi trường và kinh tế cũng không kém phần quan trọng và đều góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. Với ngành gia cầm, phải dựa vào nhiều yếu tố mới có thể so sánh được tính bền vững của các hệ thống nuôi như chuồng lồng, chuồng trại lớn, chăn thả tự do và nuôi hữu cơ. Trong khi hệ thống chăn thả tự do đạt điểm số cao nhất về mặt xã hội và phúc lợi động vật thì hệ thống chuồng lồng lại đạt hiệu quả kinh tế nhất. Sự bền vững của ngành chăn nuôi, do đó, không thể chỉ gói gọn trong 4 chữ “phúc lợi động vật”. Người chăn nuôi cần phải biết cân bằng 3 yếu tố phúc lợi, kinh tế và môi trường, nhất là khi người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển đổi từ các loại thịt giá cao sang sản phẩm giá rẻ hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao. N
Peter van Horne
Chuyên gia kinh tế, Đại học Wageningen