(Người Chăn Nuôi) – Một nghiên cứu ở Đài Loan kết luận rằng, việc bổ sung cám lúa mì lên men ở gà thịt có thể có khả năng nâng cao năng suất tăng trưởng bằng cách cải thiện hệ vi sinh đường ruột và tình trạng viêm nhiễm.
Cám lúa mì là một phụ phẩm nông nghiệp được tạo ra từ quá trình chế biến lúa mì. Mỗi năm trên thế giới sản xuất được khoảng hơn 6,5 triệu tấn lúa mì. Lúa mì và phụ phẩm của lúa mì là một trong các nguyên liệu phổ biến được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Trong sản xuất bột mì trắng, tỷ lệ chiết xuất khác nhau ở các nước khác nhau, nhưng ở Anh là khoảng 74%, 26% còn lại là phụ phẩm. Trong xay xát bằng trục lăng hiện đại, các phụ phẩm có thể được bán dưới dạng bột lúa mì hoặc dưới dạng 3 sản phẩm riêng biệt – mầm, bột lúa mì mịn và bột lúa mì thô (hay còn gọi là cám lúa mì).
Sản lượng lúa mì trên thế giới đạt khoảng 6,5 triệu tấn/năm
Bột lúa mì mịn thay đổi đáng kể về thành phần, tùy thuộc vào hỗn hợp ban đầu và tỷ lệ chiết xuất. Hàm lượng protein thô thường trong khoảng 160 – 210 g/kg DM và xơ thô khoảng 40 – 100 g/kg DM. Bột lúa mì mịn có thể sử dụng cho tất cả loại vật nuôi và tỷ lệ sử dụng có thể lên tới 30% trong khẩu phần của heo thịt. Trong khi đó, cám lúa mì có chứa hàm lượng lignocellulosic cao (44%) cùng đó là giá trị dinh dưỡng thấp (1.300 kcal/kg) nên nó được xem là loại thức ăn không phù hợp cho động vật có dạ dày đơn như gia cầm. Hơn nữa, các polysaccharid phi tinh bột có trong cám lúa mì có xu hướng hoạt động như các hợp chất phản dinh dưỡng nên sẽ ức chế khả năng tiêu hóa, gây ra sự gia tăng mầm bệnh trong đường tiêu hóa và có thể gây viêm ruột.
Tuy nhiên mới đây, một nghiên cứu đã được thực hiện để xác định ảnh hưởng của việc bổ sung cám lúa mì lên men đến năng suất của gà thịt, bước đầu cho kết quả khả quan. Điều đặc biệt là thí nghiệm sử dụng phương pháp lên men rắn, so với phương pháp lên men chìm thì lên men ở trạng thái rắn hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn trong việc tạo ra các hợp chất hoạt tính sinh học.
Có tổng số 400 con gà thịt Ross 308 trong nghiên cứu này, được chia thành 5 nhóm. Nhóm đối chứng được cho ăn chế độ ăn ngô, đậu tương. 4 nhóm còn lại được cho ăn chế độ ăn đối chứng và bổ sung thêm lần lượt là: 5% cám lúa mì, 10% cám lúa mì, 5% cám lúa mì lên men và 10% cám lúa mì lên men. Kết thúc thử nghiệm, kết quả cho thấy gà thịt được cho ăn chế độ ăn 5% cám lúa mì lên men có trọng lượng cơ thể cao hơn đáng kể từ ngày thứ 22 – 35. Hệ số chuyển đổi thức ăn tốt hơn (P < 0,05) của gà ăn cám lúa mì lên men được quan sát thấy ở cả giai đoạn xuất chuồng và thời gian thử nghiệm tổng thể. Ngoài ra, những con gà trong các nhóm này cũng có số lượng vi khuẩn Coliform thấp hơn đáng kể trong hồi tràng.