(Người Chăn Nuôi) – Sáng 30/12, Bộ NN&PTNT và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế tổ chức họp tham vấn các kết quả sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR để nghiệm thu và kết thúc dự án.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, Dự án “Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe tại Việt Nam” do Quỹ CGIAR Trust Fund tài trợ không hoàn lại thông qua Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI). Dự án hướng tới bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe, nhằm cải thiện việc phát hiện, phòng ngừa và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền qua thực phẩm và kháng kháng sinh.
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) và TS Fred Unger, Trưởng đại diện ILRI tại châu Á chủ trì cuộc họp. Ảnh: ILRi
Về phía Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế, TS. Fred Unger, Trưởng đại diện ILRI tại châu Á đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Bộ NN&PTNT thông qua Khung đối tác Một sức khỏe với sự tham gia của các bên liên quan cùng nhau triển khai các nhiệm vụ. Trong đó, sáng kiến Một sức khỏe của One CGIAR nhằm giải quyết những thách thức tại giao điểm giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường.
“Những kết quả của sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR (OHI) đã chứng minh sức mạnh của sự hợp tác đa ngành trong giải quyết các thách thức sức khỏe tại giao điểm con người, động vật và môi trường. Để đảm bảo tác động lâu dài, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực và mở rộng phạm vi sáng kiến, hướng tới một tương lai khỏe mạnh và bền vững hơn”, ông Fred nhấn mạnh.
Phía ILRI cam kết hỗ trợ các mục tiêu Một sức khỏe của Việt Nam, với kỳ vọng rằng sự hợp tác liên ngành sẽ tiếp tục mang lại một tương lai khỏe mạnh hơn cho mọi người.
Được biết, Viện Thú y quốc gia là chủ dự án đồng thực hiện cùng ILRI triển khai các hoạt động theo cam kết tại Văn kiện dự án đã được phê duyệt. Tới nay, Dự án cơ bản hoàn thành các mục tiêu và kết thúc đúng tiến độ.
Hợp phần 1 về kiểm soát bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, được triển khai tại các cơ quan địa phương để nghiên cứu chuỗi giá trị động vật hoang dã, phát hiện các tác nhân gây bệnh như Hantavirus và Viêm gan E. Những phát hiện này đã dẫn đến việc nâng cao nhận thức và thực hành an ninh sinh học tại các khu vực chăn nuôi và buôn bán động vật hoang dã.
Hợp phần 2 về an toàn thực phẩm, sáng kiến đã triển khai thí điểm các biện pháp can thiệp tại 16 lò giết mổ và 68 điểm bán hàng ở 5 tỉnh nhằm giảm thiểu nhiễm khuẩn Salmonella trong thịt lợn, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững.
Hợp phần 3 về kháng kháng sinh trong gia cầm, sáng kiến đã tập trung vào tỉnh Thái Nguyên, thúc đẩy việc sử dụng kháng sinh một cách thận trọng và tăng cường giám sát, từ đó giảm thiểu thách thức ngày càng gia tăng của kháng kháng sinh.
Đáng chú ý, sau 3 năm triển khai (2022-2024), Sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR (OHI) đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm nghiên cứu chuỗi giá trị động vật hoang dã tại Lào Cai và Đồng Nai, phát hiện các tác nhân gây bệnh như Hantavirus và Hepatitis E, góp phần cải thiện an toàn sinh học tại các trại nuôi nhốt động vật hoang dã.
Trước đó, ngày 27/12, tại Thừa Thiên Huế, Sáng kiến Một Sức Khỏe của CGIAR đã phối hợp cùng các đối tác tổ chức buổi họp tổng kết nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu và can thiệp an toàn thực phẩm. Một số kết quả nổi bật trong hợp phần cải thiện an toàn thực phẩm như cải thiện vệ sinh 16 cơ sở giết mổ tại Hà Nội, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế và Cần Thơ. Đồng thời, hỗ trợ dụng cụ vệ sinh, tập huấn cho 210 chủ cơ sở và công nhân giết mổ. Kết quả ban đầu đã giúp giảm khoảng 15% mức độ nhiễm Salmonella trên thịt lợn.
Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, dự án đã triển khai một số can thiệp tăng cường các thực hành vệ sinh tốt, giúp giảm ô nhiễm Salmonella trong chuỗi cung ứng thịt lợn tại 16 lò mổ và 68 chợ tại năm tỉnh (Hà Nội, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai và Cần Thơ). Dự án tập huấn cho gần 400 tiểu thương và 155 người được cung cấp các dụng cụ cần thiết, nhằm hỗ trợ nâng cao thực hành vệ sinh tốt và giúp giảm ô nhiễm vi khuẩn 2-10% so với chợ đối chứng.
Ngoài ra, các can thiệp tại Thái Nguyên đã nâng cao năng lực giám sát bệnh và giảm thiểu kháng kháng sinh. Những kết quả này đã phần nào khẳng định vai trò của hợp tác đa ngành thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe trong việc cải thiện sức khỏe.
Thùy Khánh