Cải thiện môi trường ở “thủ phủ” nuôi heo của Đồng Nai

Huyện Thống Nhất từng là “thủ phủ” chăn nuôi heo của tỉnh. Bên cạnh giá trị về kinh tế và việc làm cho người dân, chăn nuôi heo cũng gây không ít hệ lụy về môi trường.

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, chăn nuôi heo trên địa bàn huyện đang chuyển sang hướng bền vững.

Giảm 3/4 tổng đàn heo

Khoảng 5 năm trở về trước, Thống Nhất là địa phương có nhiều cơ sở chăn nuôi heo nhất tỉnh, cao điểm có khoảng 450 ngàn con. Đa phần các cơ sở chăn nuôi đi từ quy mô hộ gia đình thành trang trại lớn. Chính vì điều này, việc đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hệ thống xử lý chất thải không đồng bộ, là thách thức lớn cho công tác bảo vệ môi trường.

môi trường ở “thủ phủ” nuôi heo

Ông Nguyễn Văn Huy (ngụ ấp 3, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) pha chế men xử lý chất thải của heo. Ảnh:H.Lộc

Những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc chăn nuôi heo ở huyện đã thay đổi đáng kể. Đó là số lượng đàn và cơ sở chăn nuôi giảm nhiều, các trang trại còn hoạt động được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Huyện Thống Nhất hiện có 352 trang trại chăn nuôi có quy mô cấp huyện quản lý, 2 trang trại có quy mô cấp tỉnh quản lý, 679 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Số lượng đàn heo khoảng 100 ngàn con.

Ông Nguyễn Văn Huy (ngụ ấp 3, xã Lộ 25) cho biết, ông nuôi heo từ năm 2016. Thời điểm đó, vì xung quanh không có nhà dân, quy định về bảo vệ môi trường đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không quá khắt khe nên việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải của cơ sở chỉ mang tính tạm thời. Năm 2023, nhận được yêu cầu của huyện, ông Huy bỏ ra gần 1 tỷ đồng đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Từ khi có hệ thống xử lý này, mùi hôi phát sinh từ hoạt động chăn nuôi giảm hẳn, toàn bộ nước thải được xử lý để tái sử dụng cho cây trồng, tỷ lệ hao hụt heo giảm, chưa xảy ra dịch bệnh.

“Tôi đã đầu tư số tiền lớn cho hệ thống xử lý chất thải nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Tôi mong chính quyền tạo điều kiện cho cơ sở hoạt động lâu dài để còn thu hồi vốn” – ông Huy bày tỏ.

Trang trại của ông Triệu Văn Thì (ở ấp 3, xã Lộ 25) đã ngưng nuôi heo và chuyển sang nuôi gà gần một năm nay. Theo ông Thì, trước đây ông nuôi heo nhưng trước yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, ông không đủ vốn đầu tư nên đã chuyển sang nuôi gà.

“Tôi đã cải tạo lại hệ thống máng ăn, đầu tư thêm dàn lạnh để nuôi gà. Con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh doanh nghiệp cung cấp. So với lúc nuôi heo, nuôi gà đỡ ô nhiễm hơn, người nuôi không phải lo đầu ra” – ông Thì nói.

Phó trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Thống Nhất Trần Thị Minh Hải cho hay, những năm gần đây, chăn nuôi heo trên địa bàn huyện giảm đáng kể, còn khoảng 1/4 so với cao điểm. Cũng theo bà Hải, có 4 lý do chăn nuôi heo giảm là: chính quyền siết chặt công tác bảo vệ môi trường, huyện tuyên truyền giảm chăn nuôi nhỏ lẻ để phát triển thành trang trại lớn, cơ sở không có khả năng đầu tư hệ thống xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu, cơ sở ngưng hoạt động theo kế hoạch di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi của tỉnh.

Môi trường cải thiện rõ rệt

Cũng theo bà Trần Thị Minh Hải, thời gian qua, nhờ áp dụng nhiều biện pháp như: kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, định hướng chuyển đổi vật nuôi, kết nối với các doanh nghiệp môi trường để chuyển giao giải pháp xử lý chất thải nên tình trạng xả thải trực tiếp ra sông, suối gần như không còn. Các trang trại đang hoạt động đều có biện pháp thu gom xử lý chất thải bằng hầm biogas hoặc hầm lắng lọc đạt yêu cầu bảo vệ môi trường.

môi trường ở “thủ phủ” nuôi heo

Trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Văn Huy ở ấp 3, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất. Ảnh:H.Lộc

Hiện nay, chăn nuôi trên địa bàn huyện Thống Nhất phần lớn là gia công cho các doanh nghiệp. Để cộng đồng trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, UBND huyện đã gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp chấm dứt hợp tác với cơ sở chăn nuôi chưa được cấp giấy phép môi trường, có trách nhiệm cùng chủ cơ sở trong đầu tư chuồng trại.

Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền chia sẻ, huyện vừa trình hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024. Đây là nỗ lực lớn của huyện trong lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường chăn nuôi – một trong những vấn đề “nóng” của địa phương. Qua các đợt rà soát, tổng kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, các cơ sở chăn nuôi thuộc diện bắt buộc đều đã có hồ sơ giấy phép môi trường. Môi trường ở nông thôn, nhất là nguồn nước ở các suối trên địa bàn, có sự chuyển biến rõ rệt.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, chăn nuôi là sinh kế lâu nay của người dân địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi bền vững bằng cách nghiên cứu khu vực chăn nuôi tập trung phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện, kết nối với các doanh nghiệp về môi trường để chuyển giao giải pháp xử lý chất thải hiệu quả, tăng cường công tác kiểm tra và hậu kiểm tra môi trường…

Phó chủ tịch UBND xã Hưng Lộc Trần Duy Hưng cho hay, khi số lượng cơ sở và tổng đàn heo giảm thì thực trạng người dân phản ánh mùi hôi, xả nước thải ra suối cũng giảm. Xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các cơ sở chăn nuôi tuân thủ tốt quy định về bảo vệ môi trường.

Còn với Phòng Tài nguyên và môi trường huyện, thời gian tới, đơn vị sẽ rà soát lại toàn bộ các cơ sở chăn nuôi để có phân cấp quản lý. Duy trì kiểm tra bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuyên truyền, định hướng cho người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn kết hợp với nâng cấp chuồng trại; di dời hoặc ngưng chăn nuôi theo quy định.

Hoàng Lộc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *