(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Gà 40 ngày tuổi bỏ ăn, đi ngoài phân khô màu đen, di chuyển chậm chạp, phân có lẫn máu và dịch nhầy. Một số con bị xã cánh, không thể tự đứng và đi lại, gục đầu. Diều có nhiều nước. Mổ ra thấy ruột có các đám đỏ tấy, thành ruột có phủ màng giả màu nâu vàng, tróc vảy và nhiều dịch nhầy. Gan sưng, xuất huyết điểm. Xin hỏi gà mắc bệnh gì, cách phòng và điều trị?
(Câu hỏi của Đình Chiến, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định)
Trả lời:
Với triệu chứng, bệnh tích kể trên có khả năng gà đã bị mắc bệnh Viêm ruột hoại tử. Bệnh này do vi khuẩn Clostridium perfringens gây ra. Vi khuẩn này là một phần trong hệ vi sinh vật đường ruột của gia cầm. Nếu gặp điều kiện thuận lợi như mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột hoặc sức đề kháng của gà bị suy giảm, chúng nhân lên rất nhanh làm gà mắc bệnh. Vi khuẩn sinh ra nhiều độc tố trong đường ruột và có thể gây tử vong nếu không phát hiện, điều trị kịp thời.
Phòng bệnh:
Đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, thức ăn, nước uống hợp vệ sinh.
Bổ sung vitamin, khoáng… để tăng cường sức đề kháng, hạn chế stress. Bổ sung các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học để cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.
Sử dụng khẩu phần ăn cho gà phù hợp với lứa tuổi của gà. Không cho gà ăn thức ăn nhiễm nấm mốc và không thay đổi khẩu phần ăn đột ngột.
Tuân thủ quy trình an toàn sinh học chuồng trại, diệt cầu trùng từ khi gà được 3 – 5 ngày tuổi.
Thời điểm nắng nóng cần có giải pháp chống nóng như dùng chất điện giải Gluco K-C, vitamin để chống nóng và giữ chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng khí.
Điều trị:
Tách riêng những con bị bệnh.
Cho gà ăn những thức ăn dễ tiêu hóa.
Có thể điều trị bằng cách trộn thức ăn một trong số các loại kháng sinh như: Oxytetra cycline, Doxy cycline Hydrochloride, Amoxicillin Trihydrate hoặc Sulfamonomethoxin + Trimethoprim… Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bổ sung vitamin, khoáng, điện giải để tăng cường sức đề kháng, hạn chế stress. Bổ sung các loại men tiêu hóa để cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột cho gà.
Ban KHKT