Những năm gần đây mô hình nuôi trâu thịt đã phát triển ở nhiều địa phương. Để việc nuôi trâu thịt đem lại hiệu quả kinh tế cao đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật nuôi.
Xây dựng chuồng trại
Chuồng trại được xây dựng ở nơi cao ráo, thoáng mát, dễ thoát nước, cách xa khu dân cư và khu công nghiệp… gần nơi đồng cỏ, bãi chăn thả, gần nguồn nước phục vụ cho trâu. Hướng chuồng tốt nhất là theo hướng Nam hoặc Đông Nam. Nền chuồng có thể làm bằng gạch hoặc bê tông, không ghồ ghề, không trơn trượt và có độ dốc thích hợp hướng về rãnh thoát nước. Mái che có thể làm bằng tấm lợp, ngói hoặc tre, lá… độ nghiêng 30 – 400.
Diện tích nền chuồng trung bình cho 1 con trâu thay đổi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trâu, cụ thể như:
Rãnh thoát nước, phân, nước tiểu được bố trí dọc chuồng sau chỗ trâu đứng, chiều rộng 22 – 25 cm, độ dốc khoảng 2 – 3%, đảm bảo thoát nước tốt.
Kỹ thuật nuôi và vỗ béo trâu thịt
Dựa vào đặc điểm sinh trưởng và chỉ số trao đổi chất của trâu, người ta xác định tuổi giết thịt hợp lý của trâu trong khoảng 2 năm tuổi. Trước khi giết thịt cần một thời gian ngắn vỗ béo nhằm tăng số lượng và chất lượng thịt. Thời gian nuôi sữa và giai đoạn tơ lỡ 7 – 18 tháng. Đối với nghé đực thì có thể thiến lúc 1 năm tuổi để bớt tiêu hao cho hoạt động sinh dục và tạo điều kiện cho nghé tích lũy sớm thịt mỡ.
Vỗ béo trâu ở tuổi còn non cho tỷ lệ thịt xẻ cao – Ảnh: CTV
Kỹ thuật nuôi nghé và trâu tơ: Trong thời kỳ này nghé và trâu tơ có thể sử dụng được thức ăn thô, xanh nên tốt nhất là chăn thả trên bãi chăn, đồng cỏ. Tùy theo tính chất và loại hình đồng cỏ, cũng như năng suất đồng cỏ mà bố trí chăn thả luân phiên nhằm khai thác hiệu quả đồng cỏ trong khi vẫn bảo đảm cung cấp đầy đủ khối lượng thức ăn thô xanh rẻ tiền. Mùa đông thay thế một phần thức ăn tươi xanh bằng cỏ khô hoặc thức ăn ủ tươi, cần bổ sung thức ăn tinh nếu khẩu phần thức ăn thô xanh không cân đối các nhu cầu dinh dưỡng.
Trong điều kiện chăn thả, nếu nghé và trâu tơ lỡ kém phát triển thì cần bổ sung thức ăn thô xanh, cỏ khô tại chuồng. Cũng có thể phải bổ sung 0,5 – 1 kg thức ăn tinh, tùy theo năng suất và chất lượng cỏ trên bãi chăn.
Vào mùa hè, cần cho trâu, nghé tắm hàng ngày, còn vào mùa đông thì cho tắm khi trời nắng, ấm, mỗi tuần một lần. Định kỳ kiểm tra và diệt ve, chấy, rận trên cơ thể.
Vỗ béo trâu
Để tăng năng suất và chất lượng thịt trâu, cần tiến hành vỗ béo trâu, vỗ béo trâu ở lứa tuổi còn non chẳng những cho tỷ lệ thịt xẻ cao, chất lượng và độ mềm của thịt tốt mà hiệu suất vỗ béo cũng cao hơn. Bởi, trâu non có tốc độ lớn nhanh và với bộ răng chắc khỏe nên khả năng tiêu hóa và đồng hóa thức ăn tốt hơn, khả năng tích lũy cũng cao hơn. Có thể bắt đầu đưa vào vỗ béo từ khi trâu 24 tháng tuổi, ở độ tuổi này trâu non có tốc độ lớn nhanh, bộ răng chắc khỏe nên khả năng tiêu hóa và đồng hóa thức ăn tốt hơn, khả năng tích luỹ cũng cao hơn.
Tuy nhiên, cũng có thể vỗ béo trâu già, những con không còn khả năng sinh sản và làm việc. Loại trâu này thường gầy yếu, tỷ lệ thịt xẻ thấp và chất lượng thịt không cao, vì vậy vỗ béo loại trâu này trước khi giết mổ sẽ tăng khối lượng cơ thể lên 15 – 20%. Phương thức chăn nuôi chủ yếu là chăn thả trên đồng bãi, kết hợp với ăn thêm cỏ, rơm và thức ăn tinh tại chuồng.
Đối với các tỉnh phía Bắc, tốt nhất là vỗ béo trâu vào mùa thu, vì lúc này lượng cỏ tươi phong phú, hơn nữa, thời tiết cũng mát mẻ. Còn đối với các tỉnh phía Nam, có thể vỗ béo trâu quanh năm, nhưng vỗ béo vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10 là kinh tế nhất. Thời gian vỗ béo thường là 3 tháng.
Trong tháng thứ nhất, tiến hành dọn vệ sinh chuồng trại, tẩy giun sán cho trâu, cho ăn đủ rơm, cỏ. Đối những con gầy yếu thì cho ăn thêm các loại thức ăn giầu đạm để nhanh chóng phục hồi cơ thể, tạo đà cho những tháng tiếp theo. Sang tháng thứ hai, chăn thả gần, cho ăn cỏ theo nhu cầu của trâu, tăng lượng thức ăn tinh, bảo đảm đủ nước uống. Tháng thứ ba, cung cấp thêm vào khẩu phần ăn cho trâu những loại thức ăn giàu bột đường, chăn thả gần chuồng để hạn chế tiêu hao năng lượng và tăng tích lũy mỡ.
Trong điều kiện chăn nuôi gia đình, có hai phương thức vỗ béo thích hợp là:
Chăn thả: chăn thả trâu trên bãi chăn 8 – 10 giờ mỗi ngày để tận dụng cỏ tươi mà không tốn công thu cắt và vận chuyển về chuồng. Ban đêm, bổ sung thức ăn tinh và muối ăn. Cách vỗ béo này áp dụng cho những nơi có đồng bãi chăn thả rộng và năng suất cỏ tương đối khá, bảo đảm cho trâu mỗi ngày thu lượm được 20 – 25 kg cỏ.
Bán chăn thả: Áp dụng cho những nơi ít bãi chăn (như vùng đồng bằng, vùng ven đô, khu công nghiệp). Trâu chỉ tận dụng được một phần hoặc một nửa khẩu phần thức ăn trên bãi chăn. Phần còn lại phải bổ sung tại chuồng nuôi, trong đó phải lưu ý đến thức ăn tinh.
Phương pháp phòng bệnh tổng hợp
Trong quá trình nuôi cần tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng cho đàn trâu thịt để nâng cao đề kháng. Cần cân đối lượng thức ăn thô, xanh và thức ăn tinh. Chú ý công tác ủ thức ăn xanh, rơm với urê để dự trữ thức ăn trong những ngày rét đậm và thức ăn ủ chua để kích thích trâu ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt hơn.
Đảm bảo đủ nước uống sạch, vào những ngày nhiệt độ thấp cần cho uống nước ấm, có bổ sung muối với tỷ lệ 0,3%; những ngày trời nóng cần cho trâu uống nước mát, có bổ sung muối với tỷ lệ 0,1%.
Thường xuyên quan sát, khi phát hiện trâu có hiện tượng bất thường cần nuôi nhốt riêng để có biện pháp điều trị kịp thời và không để lây lan.
Tiêm phòng vaccine đầy đủ cho trâu, đặc biệt là một số bệnh thường gặp như lở mồm long móng, tụ huyết trùng…
Thực hiện thường xuyên biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, bãi chăn, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi bằng một số các loại thuốc sát trùng như Benkocid, Han- Iodine, Five-Iodine, RTD-Iodine… để tiêu diệt mầm bệnh.
>> Thịt trâu nhiều nạc, ít mỡ, lượng Cholesterol ít hơn thịt bò 41% và chất lượng không thua kém gì thịt bò. Trâu có khả năng tăng trọng bình quân 500 – 800 g/ngày, nuôi vỗ béo có thể tăng trọng 800 – 1.000 g/ngày.
Nguyễn Nhung