(Người Chăn Nuôi) – Bão số 3 (tên quốc tế là Wipha) đang di chuyển nhanh, có cường độ mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng, đe dọa nghiêm trọng tới an toàn sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản tại nhiều địa phương phía Bắc. Trước diễn biến phức tạp của bão, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 21/7, tâm bão Wipha ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 275km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ 15 – 20km/h và có khả năng mạnh thêm trong 24 giờ tới. Dự báo đến 4h ngày 22/7, bão sẽ tiến vào khu vực Vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 10–11, giật cấp 14.
Chi cục Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng kiểm tra khu vực chăn nuôi của người dân trước bão. Ảnh: Hải Phòng
Từ tối 21/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An dự kiến có gió mạnh cấp 7 – 9, khu vực gần tâm bão cấp 10 – 11, giật cấp 14. Trong đất liền, gió có thể đạt cấp 6, giật cấp 7 – 8. Mưa lớn dự kiến xảy ra tại khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An, lượng mưa phổ biến từ 200 – 350mm, có nơi vượt quá 600mm. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập sâu vùng trũng là rất cao.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 112/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 3, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, ổn định sản xuất và giảm thiểu thiệt hại.
Sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được xác định là một trong những lĩnh vực dễ tổn thương nhất khi bão đổ bộ. Theo đó, Chi cục Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng đã sớm phối hợp với các địa phương, xã phường và cán bộ cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp bảo vệ chuồng trại, ao nuôi, vật nuôi và nguồn giống thủy sản.
Các nội dung chỉ đạo từ Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hải Phòng, tại các Công văn số 3788 và 3875, yêu cầu các đơn vị tập trung tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt trong bối cảnh mùa mưa bão năm nay được dự báo có nhiều diễn biến bất thường.
Cơ sở chăn nuôi, hộ dân cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, không chủ quan, lơ là; thực hiện phương châm “phòng hơn chống”; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để bảo đảm an toàn vật nuôi trong mọi tình huống.
Cụ thể, đối với riêng hoạt động chăn nuôi, cần chủ động gia cố chuồng trại, đặc biệt chú ý phần mái, tường bao, cửa ra vào; khơi thông hệ thống thoát nước để chống ngập úng. Gia súc, gia cầm cần được di chuyển đến khu vực cao ráo, an toàn, có dự trữ đủ thức ăn, nước uống. Đồng thời, cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, kiểm tra sức khỏe đàn vật nuôi thường xuyên nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh phát sinh sau mưa bão.
Là một trong những địa bàn trọng điểm về chăn nuôi, thủy sản, xã Kiến Thụy (TP. Hải Phòng) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó với bão Wipha. Theo thống kê, toàn xã hiện có 8 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, trong đó có 4 trang trại nuôi gà (56.000 con), 3 trang trại nuôi lợn (1.400 con) và 1 trang trại nuôi vịt (3.000 con). Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện đạt khoảng 170.000 con.
Ngày 20/7, ông Vũ Văn Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Kiến Thụy đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại các trang trại. UBND xã đã yêu cầu các cụm Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phối hợp chặt chẽ với chủ trang trại gia cố chuồng trại, di chuyển vật nuôi, máy móc thiết bị ra khỏi vùng nguy hiểm.
Với tinh thần chủ động, không để bị động bất ngờ, các địa phương đang tiếp tục theo dõi sát tình hình, thường trực 24/24, tăng cường cảnh báo và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân. Việc ứng phó hiệu quả với bão Wipha không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại vật chất mà còn thể hiện năng lực điều hành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và người dân trong quản lý rủi ro thiên tai, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Minh Khuê