Các địa phương dồn lực chống dịch tả lợn châu Phi

(Người Chăn Nuôi) – Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương trên cả nước gấp rút triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, ổn định nguồn cung thực phẩm và đảm bảo an toàn dịch bệnh. 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 514 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 28/34 tỉnh, thành phố, khiến trên 30.000 con lợn mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy. Hiện tại, 248 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố vẫn chưa qua 21 ngày – mốc thời gian được xác định là kết thúc một chu kỳ dịch. 

Trong Công điện số 109/CĐ-TTg mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các tỉnh, thành không để dịch lan rộng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

tiêu hủy lợn bệnh

Tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi ở xã Dương Sơn, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn (nay là tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: PV

Cao Bằng: Thiệt hại nghiêm trọng, kiểm soát bước đầu hiệu quả

Tại tỉnh Cao Bằng, dịch bệnh bùng phát mạnh từ cuối tháng 6 đến nửa đầu tháng 7/2025, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi. Hơn 13.000 con lợn mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy, tổng trọng lượng gần 659 tấn, thuộc 2.637 hộ chăn nuôi ở 49 xã, phường.

Đáng chú ý, hiện vẫn còn 42 xã, phường tại địa phương chưa qua 21 ngày – đồng nghĩa với việc nguy cơ bùng phát dịch mới vẫn còn hiện hữu. Nguyên nhân khiến dịch lan rộng, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, chủ yếu do người dân còn tâm lý chủ quan, chưa tiêm vaccine đầy đủ, và chưa thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Thêm vào đó, nhiều xã có lãnh đạo mới chưa nắm bắt kịp thời tình hình, dẫn đến việc tổ chức phòng, chống dịch còn lúng túng, thiếu hiệu quả. Việc thiếu vắng lực lượng thú y bán chuyên trách sau điều chỉnh tổ chức bộ máy cũng khiến công tác giám sát, phát hiện và khoanh vùng dịch gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch, tăng cường kiểm tra vận chuyển, giết mổ, đồng thời thúc đẩy tiêm vaccine và tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân.

Theo ghi nhận ngày 20/7, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực tế, phổ biến quy trình xử lý dịch bệnh và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi. Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tình hình dịch đang có chiều hướng giảm, tuy nhiên người dân tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác.

Thái Nguyên: Nguy cơ lan rộng nếu không kiểm soát chặt

Tại tỉnh Thái Nguyên, dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu lan rộng. Chỉ trong vòng ba tuần đầu tháng 7, đã phát hiện 384 con lợn mắc bệnh, bị tiêu hủy tại 18 xã, phường, tổng trọng lượng hơn 18 tấn. Trước đó, từ đầu năm đến tháng 6, dịch đã xuất hiện nhỏ lẻ tại 37 xã ở phía Bắc tỉnh, khiến 104 con lợn của 17 hộ dân buộc phải tiêu hủy.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng là rất cao, do phần lớn hoạt động chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ, điều kiện chuồng trại không đảm bảo, công tác vệ sinh thú y còn hạn chế. Việc tiêm vaccine chưa được thực hiện đồng bộ, trong khi một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như lở mồm long móng, tai xanh vẫn tồn tại.

Một trong những trở ngại lớn tại Thái Nguyên là thiếu nhân lực thú y cơ sở. Sau khi tổ chức lại bộ máy, nhiều cộng tác viên và thú y viên cơ sở đã nghỉ việc, khiến việc lấy mẫu, xét nghiệm, giám sát và xử lý ổ dịch gặp không ít khó khăn.

Để ứng phó, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai nghiêm nguyên tắc “5 không” trong phòng dịch: không giấu dịch, không giết mổ lợn bệnh, không mua bán lợn bệnh, không vứt xác lợn bừa bãi và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để dịch bệnh lan rộng do thiếu quyết liệt trong chỉ đạo. Nếu không kiểm soát được tình hình, nguy cơ ảnh hưởng lớn tới an toàn dịch tễ toàn vùng là rất cao.

Chính phủ yêu cầu quyết liệt kiểm soát và xử lý dịch

Trước nguy cơ dịch lan rộng và phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương dồn lực ứng phó, không để bùng phát dịch bệnh diện rộng.

Công điện yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo, làm lây lan dịch bệnh. Đồng thời, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và pháp luật nếu để xảy ra dịch quy mô lớn do thiếu trách nhiệm.

Thủ tướng chỉ đạo huy động tối đa các nguồn lực, kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Các địa phương cũng cần triển khai các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại, kiên quyết tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, đảm bảo kiểm soát dịch hiệu quả.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ trong kiểm soát biên giới, chặn đứng tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm từ lợn – một trong những nguồn lây lan dịch bệnh nguy hiểm.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, tuyên truyền, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thông tin tới người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh, các biện pháp phòng dịch và khuyến khích sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi.

Minh Khuê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *