(Người Chăn Nuôi) – Bê con sau khi sinh còn yếu ớt, sức đề kháng kém nên rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân khác nhau. Việc nhận biết sớm và có biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm thiểu các thiệt hại và giúp bê phát triển tốt.
Rối loạn tiêu hóa
Cho bê uống (bú) sữa quá nhiều hoặc quá nhanh sẽ làm bê nôn ọe hoặc trào sữa ra khỏi dạ múi khế. Lượng sữa không tiêu hóa này sẽ xuống thẳng ruột non hoặc dạ cỏ – dạ tổ ong là nơi không thích hợp cho sự tiêu hóa sữa. Khi gặp trường hợp này, cần can thiệp theo các bước sau: Kiểm tra và điều chỉnh lại điều kiện vệ sinh ăn uống. Luôn cung cấp đầy đủ nước uống sạch trong máng uống. Giảm 1/3 – 1/2 lượng sữa so với lượng sữa đã cung cấp hằng ngày trước đó. Cho ăn từng lượng nhỏ nhiều lần trong ngày. Cân bê để kiểm tra thể trọng. Khi tình hình được cải thiện, có thể tăng dần lượng sữa để đạt theo lượng sữa như quy trình đã khuyến cáo. Nếu sau khi can thiệp mà vẫn không thấy tiến triển tốt, cần báo cán bộ thú y đến can thiệp.
Viêm rốn
Dù đã sát trùng rốn ngay sau khi bê con được sinh ra, nhưng cũng không thể phòng ngừa hết được sự viêm rốn. Lý do là sự viêm nhiễm đã hiện diện rất sớm. Viêm nhiễm rốn thường thấy ở trường hợp bê bị tiêu chảy phân trắng hoặc bạch hầu, tiếp nối với sự tấn công của các tác nhân gây bệnh trong môi trường mất vệ sinh, khi bò mẹ bị sót nhau. Nên chuẩn bị nơi bò đẻ sạch sẽ, có vật liệu lót chuồng tốt hoặc trên đồng cỏ sạch để đề phòng bê bị viêm rốn. Điều trị bao gồm việc sử dụng hạn chế các lọai kháng sinh (tiêm chích theo liều quy định) như trong trường hợp bê tiêu chảy. Cần chú ý ngăn ngừa hiện tượng bê bú vào rốn của nhau.
Bê con mới sinh còn yếu ớt, sức đề kháng kém nên rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân khác nhau.
Tiêu chảy
Có nhiều loại tiêu chảy xảy ra trên bê như: Tiêu chảy phân trắng, tiêu chảy do nhiễm trùng và tiêu chảy vào 3 ngày tuổi kết hợp hoặc không kết hợp với viêm phổi… Có nhiều nguyên nhân gây ra tiêu chảy và đôi khi có sự kết hợp của nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố chưa được tính đến, bao gồm cả virus, vi khuẩn (đáng chú ý là nhóm coliform), do bò mẹ thiếu Vitamin A, do thiếu sữa đầu, bê bị nhiễm ký sinh trùng… Loại tiêu chảy cấp rất nguy hiểm, thường gây chết bê khi tiêu chảy xuất hiện trong vòng 72 giờ sau sinh. Các biện pháp nhanh chóng cần được áp dụng là ngăn ngừa và chống lại sự xâm nhiễm của vi khuẩn, cung cấp lượng dịch thay thế và muối khoáng cho cơ thể gia súc. Chuẩn bị ngay một dung dịch bao gồm 1 muỗng muối ăn, 1/2 muỗng bicarbonate, 120 g đường glucose và 2 lít nước ấm đã đun sôi. Cho thêm kháng sinh và (hoặc) sulfamide theo chỉ dẫn của cán bộ thú y. Luôn giữ cho bê khô sạch, ấm. Giữ vệ sinh chuồng trại, bê sơ sinh phải được uống sữa đầu trong vòng nửa giờ ngay sau khi đẻ. Đây là yếu tố hết sức quan trọng giúp bê đề kháng với bệnh.
Bệnh thương hàn
Nguồn lây nhiễm cho bê con có thể từ các bò khỏe mạnh mang mầm bệnh trong đàn. Bệnh thương hàn làm cho bê sốt, tiêu chảy: Ban đầu là nước rồi sau đó phân có dạng sền sệt màu vàng lẫn với dịch nhầy. Thông thường xuất hiện ở bê 10 – 14 ngày tuổi với triệu chứng đặc trưng là bê suy nhược và mất sức. Điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc uống dạng sulfamide thường không thành công. Chỉ có phòng ngừa là tốt hơn cả. Các xét nghiệm gia súc chết, phân lập vi trùng và khảo sát kháng sinh đồ ở phòng thí nghiệm sẽ cho phương pháp điều trị hữu hiệu.
Bệnh cầu trùng
Bê 3 tuần đến 6 tháng tuổi thường nhiễm bệnh này. Tiêu chảy với phân có máu và dịch nhầy, bê bết phân, căng thẳng, lưng cong vòm, lông xù xì, rất yếu sức và mất nước là những triệu chứng của bệnh cầu trùng. Thuốc dạng sulfamide có hiệu lực khi điều trị. Để phòng ngừa, nên tránh nuôi nhốt đông và để chuồng quá chật chội. Di chuyển chuồng bê ra khỏi khu vực lây nhiễm. Gia súc nhiễm bệnh không nên đưa về nơi ở cũ ít nhất 6 tháng. Tiêu độc chuồng trại, dụng cụ thú y.
Bệnh viêm phổi
Có thể xảy ra từ lúc 2 tuần tuổi, nhưng thông thường là 2 – 6 tháng tuổi. Bệnh thường do virus nhưng luôn kèm theo các thứ phát do nhiễm khuẩn sau đó. Bệnh này do virus gây ra nên không có thuốc đặc trị. Điều trị bao gồm kết hợp các loại kháng sinh và thuốc sulfamide cùng với chăm sóc nuôi dưỡng chu đáo (điều trị với penicilin đơn lẻ không cho hiệu quả cao) để đề phòng phụ nhiễm và nâng cao sức đề kháng. Cách ly bê, giữ cho bê luôn ấm, chuồng thông thoáng, vật liệu lót chuồng khô sạch, ăn thực phẩm hỗn hợp nhẹ và uống nước ấm. Môi trường vệ sinh tốt và thông thoáng tránh được sự thay đổi nhiệt độ. Nuôi nhốt ít bê hơn trong chuồng nhỏ hơn là biện pháp ngăn ngừa viêm phổi hiệu quả.
Hà Châu (Tổng hợp)