(Người Chăn Nuôi) – Ngành thú y chỉ kiểm soát được 17% tổng số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong khi đó, số lượng cơ sở không có giấy phép chứng nhận kinh doanh và không được chính quyền cho phép hoạt động chiếm 73% (khoảng 18.102 cơ sở). Đây là thực trạng rất đáng lo ngại về nguồn cung thực phẩm an toàn cho người dân.
Khó kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ
Ngày 26/6 tại Long An, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Cục Thú y cho biết: Hiện nay cả nước có 440 cơ sở giết mổ (CSGM) tập trung, giảm 23 cơ sở so với cùng kỳ năm ngoái, gồm: 23 CSGM trâu/bò; 207 CSGM heo; 76 CSGM gia cầm; 1 CSGM dê, cừu và 133 CSGM hỗn hợp trên 2 loại động vật. Bên cạnh đó, cả nước có 24.858 CSGM động vật nhỏ, lẻ, gồm: 1.629 CSGM trâu/bò; 17.736 CSGM heo; 4.721 CSGM gia cầm; 588 CSGM hỗn hợp và 184 CSGM động vật khác, tăng 204 cơ sở so với năm ngoái.
Về giám sát an toàn thực phẩm và chất cấm trong chăn nuôi, năm 2023, các địa phương trong cả nước lấy 6.307 mẫu thịt tươi và 432 mẫu thịt chế biến để giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kết quả, tỷ lệ mẫu thịt tươi ô nhiễm vi sinh vật vượt quá giới hạn cho phép chiếm 26,2%; tỷ lệ mẫu thịt chế biến tồn dư kháng sinh vượt quá giới hạn cho phép chiếm 0,93%. Trong năm ngoái và các tháng đầu năm nay, các địa phương đã triển khai lấy 11.745 mẫu nước tiểu gia súc và 104 mẫu thức ăn chăn nuôi kiểm tra chất cấm Salbutamol/Clenbuterol/Ractomine. Kết quả không phát hiện chất cấm trong các mẫu kiểm tra.
Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, công tác kiểm soát giết mổ (KSGM) còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập do có quá nhiều CSGM nhỏ lẻ. Điều đáng lo ngại là hiện cả nước có 14 tỉnh không tổ chức kiểm soát bất kỳ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nào. Trong đó, 7 tỉnh là: Điện Biên, Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng và Quảng Ngãi không có CSGM tập trung, không có thú y thực hiện KSGM tại các cơ sở nhỏ lẻ và không thực hiện nhiệm vụ KSGM động vật theo quy định.
“73% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có ai kiểm soát, số liệu không biết. Với tình hình quản lý như thế, người dân Việt Nam đang ăn những sản phẩm chăn nuôi rất bẩn. Vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực thú y để ở đâu, mà để xảy ra tình trạng như vậy. Sau Hội nghị, chúng tôi sẽ có văn bản tham mưu Thứ trưởng có văn bản trình Thủ tướng, kiểm điểm trách nhiệm của các tỉnh, thành phố”, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Tháo gỡ khó khăn với cơ chế phù hợp
Tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: Tỉnh vừa tiếp giáp cũng vừa là cửa ngõ phía tây của Thành phố Hồ Chí Minh. Một số huyện của Long An có khoảng cách khá gần 2 chợ đầu mối lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh là Bình Điền và Hóc Môn. Bên cạnh đó, Long An lại có đường biên giới tiếp giáp Campuchia khá dài, cư dân sinh sống tập trung vùng ven biên giới chăn nuôi trâu, bò là chủ yếu. Đây là thách thức lớn đối với tỉnh trong công tác phòng, chống buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới.
Toàn cảnh Hội nghị
Chính đặc điểm này cũng tạo nên đặc thù riêng của Long An đối với các nhà đầu tư cơ sở giết mổ. Hiện toàn tỉnh có 45 CSGM đã được xây dựng, duy trì hoạt động và có sự KSGM của cơ quan thú y từ nhiều năm qua. Hơn 85% sản phẩm động vật tươi sống sau giết mổ được vận chuyển xuất tỉnh, chủ yếu là về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Đại diện Chi cục Thú y một số tỉnh, thành phố đã nêu ra những khó khăn về việc quản lý giết mổ động vật tập trung trên địa bàn. Đồng thời, đề xuất phê duyệt xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật theo hướng công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh động vật tại địa phương. Một số doanh nghiệp chăn nuôi kiến nghị Bộ NN&PTNT, cùng các sở, ban, ngành, các tỉnh tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận những chính sách ưu đãi.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, con số 24.858 CSGM động vật nhỏ trên cả nước hiện nay rất đáng phải suy nghĩ. Bởi giết mổ nhỏ, lẻ rất khó đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Hơn nữa, chăn nuôi hiện đại, quy mô công nghiệp không thể phát triển nếu vẫn duy trì tình trạng giết mổ nhỏ lẻ quá lớn như hiện nay.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh, thành phố cần có cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư vào CSGM tập trung, tăng cường nguồn ngân sách cho quản lý, đặc biệt là hệ thống thú y các cấp; tập trung chỉ đạo, giám sát 100% các CSGM. “Yêu cầu Cục Thú y tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ thú y ở cơ sở; tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế để Việt Nam có điều kiện tốt quản lý CSGM, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thùy Khánh