Bùng phát cúm gia cầm trên thế giới

(Người Chăn Nuôi) – Dịch cúm gia cầm mới đang bùng phát ở Ðan Mạch, Pháp, Nga. Trước đó, vào cuối tháng 6/2021, một số quốc gia như Iran, Iraq, Albania, Kosovo… cũng đã báo cáo các ổ dịch liên quan.

Ðan Mạch

Trong tuần đầu tiên của tháng 7/2021, gần 200 con gia cầm trong tổng số 38.000 con tại một trang trại ở Ðan Mạch đã bị chết. Theo báo cáo chính thức của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), sự hiện diện của virus cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) H5N8 đã được phát hiện tại đây. Ðây là đợt bùng phát HPAI đầu tiên của quốc gia này kể từ ngày 21/4, theo báo cáo của Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thủy sản Ðan Mạch. Nguyên nhân là do bị nhiễm bệnh từ một đàn gà thịt ở Sønderborg, phía Ðông Nam khu vực miền Nam Ðan Mạch.

Ðợt bùng phát HPAI trước đó đã ảnh hưởng đến một đàn vịt và ngỗng thương phẩm ở Tây Jutland. Chỉ 4 tuần trước khi xảy ra các trường hợp mới nhất, các nhà chức trách Ðan Mạch đã tuyên bố đất nước không có HPAI H5N8 trên gia cầm. Do đó, các quy định về an toàn sinh học trước đây đã được nới lỏng, chẳng hạn như việc nhốt gia cầm không còn là yêu cầu nữa. Tuy nhiên, thức ăn và nước uống chỉ có thể được cung cấp cho gia cầm trong nhà hoặc dưới mái nhà kiên cố.

tiêm vaccine cho gia cầm

Nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm H5N8 – Ảnh: Curlytales

 

Pháp

Tại Pháp, Bộ Nông nghiệp Pháp báo cáo rằng, không có đợt bùng phát HPAI mới nào trên gia cầm thương phẩm hoặc chim hoang dã kể từ đầu tháng 5/2021. Tuy nhiên, vào ngày 2/7, sự hiện diện của virus HPAI H5N8 đã được phát hiện trong một đàn gia cầm ở sân sau ở miền Trung nước này. Theo báo cáo của OIE, tại khu vực Loiret, 7 con gia cầm đã chết trong tổng số 25 con.

Từ tháng 11/2020 đến tháng 5/2021, Bộ Nông nghiệp Pháp đã báo cáo 492 ổ dịch HPAI trên gia cầm ở Pháp, gồm 475 ổ dịch ở phía Tây Nam và 17 ổ dịch ở các khu vực khác. Hơn nữa, có 20 trường hợp ở chim hoang dã và 2 trường hợp ở chim nuôi nhốt (bao gồm cả đợt bùng phát mới nhất). Khoảng 3,5 triệu con gia cầm, chủ yếu là vịt ở phía Tây Nam đã bị tiêu hủy.

 

Nga

Tại khu vực Tyumen, một số loài chim hoang dã được xét nghiệm dương tính với virus HPAI thuộc họ H5 vào cuối tháng 6/2021. Theo báo cáo chính thức cho OIE, đợt bùng phát liên quan đến 62 con bồ nông trong một công viên tự nhiên ở quận Armizonsky, hơn 50 con trong số đó đã chết. Vào ngày 7/7/2021, một đàn gia cầm thả vườn ở cùng huyện đã có kết quả xét nghiệm dương tính với cùng một biến thể virus, 8 trong số 64 con gia cầm tại cơ sở đã chết. HPAI được phát hiện lần cuối tại khu vực này vào tháng 10 năm ngoái. Tyumen oblast nằm ở quận liên bang Urals.

 

Iraq và Iran

Các cơ quan thú y của hai quốc gia Tây Á đã chính thức báo cáo các đợt bùng phát mới của HPAI trên các đàn gia cầm.

Theo báo cáo từ Cộng hòa Iraq với OIE, biến thể virus HPAI H5N8 đã được phát hiện tại một trang trại vào giữa tháng 6/2021. Bị ảnh hưởng là một cơ sở ở miền Ðông Wasit. Tại đây, 45.000 con gia cầm đã chết trong tổng đàn 85.000 con. Biến thể virus này đã có mặt ở Iraq từ tháng 1 năm nay, nhưng đợt bùng phát mới nhất này là đợt bùng phát đầu tiên được báo cáo ở Wasit, nâng tổng số vụ bùng phát của cả nước lên 4. Bị ảnh hưởng trực tiếp là 345.000 con gia cầm.

Tại Cộng hòa Hồi giáo Iran, hiện đã có 55 đợt bùng phát HPAI liên quan đến cùng một phân nhóm virus kể từ tháng 12/2020. Trong đó có 51 loài hoang dã, có liên quan đến hơn 1,3 triệu con gia cầm. Ðợt bùng phát mới nhất được các nhà chức trách OIE xác nhận là trên một đàn gia cầm gồm 97 con ở Thủ đô Tehran. Các loại chim và cơ sở không được nêu cụ thể trong báo cáo.

 

Albania và Kosovo

Các bang phía Ðông Nam châu Âu là Albania và Kosovo đã ghi nhận những trường hợp đầu tiên về biến thể HPAI H5N8.

Cuối tháng 6/2021, Cơ quan thú y Albania đã báo cáo trường hợp HPAI đầu tiên của nước này có liên quan đến biến thể virus H5N8 ở gia cầm. Theo báo cáo chính thức của OIE, trong khoảng thời gian từ ngày 21/5 – 4/6/2021, các đợt bùng phát đã xảy ra ở 3 trang trại sân sau ở các huyện khác nhau của Albania. Bị ảnh hưởng trực tiếp là 590 con gia cầm, trong đó có 158 con chết, số còn lại đã bị tiêu hủy.

Tại tất cả cơ sở bị ảnh hưởng, gia cầm được nuôi thả rông và các loài chim hoang dã được cho là nguồn virus. Trường hợp đầu tiên là ở một đàn 120 con gà tây 4 tháng tuổi ở hạt Kukes, phía Ðông Bắc Albania. Các đợt bùng phát khác xảy ra ở trung tâm đất nước với 400 con gia cầm hỗn hợp ở quận Tirana, thủ đô Tirana và 70 con khác ở Durres và lân cận.

Nước láng giềng Albania là Cộng hòa Kosovo cũng đã báo cáo đợt bùng phát HPAI đầu tiên trong năm 2021. Tại quận phía Bắc Mitrovica, biến thể virus tương tự (H5N8) đã được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 5/2021. Theo Phòng thí nghiệm Tham khảo châu Âu về bệnh cúm gia cầm, IZSVe, điều này đã ảnh hưởng đến một trang trại gia cầm với 300 con gia cầm.

>> Dữ liệu mới nhất từ Hệ thống Thông tin Dịch bệnh Ðộng vật của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, số ổ dịch bùng phát HPAI ở châu Âu tính từ đầu năm đến ngày 27/6/2021 là 1.165. 19 quốc gia đã báo cáo ổ dịch HPAI trên gia cầm với EC. Tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Pháp với 473 ổ dịch. Ba Lan đứng thứ 2 với 337 ổ dịch và Ðức là 209. Tiếp theo là Lithuania với 39 ổ dịch, Cộng hòa Séc với 37 ổ dịch. 13 quốc gia còn lại đã thông báo cho EC không quá 15 ổ dịch.

Phương Ngọc

         (Theo Wattagnet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *