(Người Chăn Nuôi) – Dù đã xây dựng được ngành chăn nuôi gia cầm hàng đầu thế giới, Brazil vẫn rót tiền vào sản xuất ức gà nhân tạo.
Đối với một quốc gia đã có ngành chăn nuôi gia cầm đẳng cấp thế giới, đổ tiền vào ức gà nhân tạo là điều không tưởng, nhưng đây chính xác là những gì đang diễn ra tại Brazil. Thịt gà sản xuất trong phòng thí nghiệm, đặc biệt thịt ức là tâm điểm trong một dự án mới của Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp Brazil (Embrapa). Phòng nghiên cứu ngành heo và gia cầm thuộc Embrapa cho biết, sản phẩm thịt gà nhân tạo sẽ được phân tích dinh dưỡng và cảm quan vào cuối năm nay.
Động thái này của Brazil không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho ngành chăn nuôi gia cầm hiện đang tạo ra doanh thu xuất khẩu gần 9,8 tỷ USD trong năm 2022. Embrapa cho biết, động lực phía sau thúc đẩy Brazil đầu tư vào sản xuất thịt gà nhân tạo là sự gia tăng mức dự báo về nhu cầu thịt toàn cầu cùng thói quen ăn uống của người tiêu dùng đang thay đổi.
Thịt nhân tạo là giải pháp làm giảm tác động đến môi trường khi nhu cầu tiêu thụ thịt tăng lên, đồng thời giảm sử dụng các loại thuốc kháng sinh mà ngành chăn nuôi truyền thống đang bị phụ thuộc. Tuy nhiên, Embrapa cũng nhấn mạnh, thịt gà nhân tạo không thay thế thịt truyền thống, mà sẽ trở thành sản phẩm bổ sung vào nguồn cung thịt toàn cầu.
Bà Vivian Feddern, Trưởng nhóm dự án cho biết, sản xuất thịt nhân tạo được bàn bạc từ lâu, nhưng đến nay việc mở rộng quy mô sản xuất mới dần hiện thực hóa do công nghệ khả thi hơn, do đó các khoản đầu tư rót vào lĩnh vực này ngày càng tăng. Embrapa chọn thịt gà vì tính linh hoạt, tiêu thụ phổ biến và là một trong những loại thực phẩm hoàn chỉnh nhất về dinh dưỡng và lợi thế về di truyền gen.
Ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Brazil, luật pháp không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, năm 2021, Bộ Nông nghiệp Brazil thông báo đang thực hiện kế hoạch sản xuất các loại protein thay thế và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Cụ thể, Brazil không chỉ chăn nuôi truyền thống mà còn sản xuất cả thực phẩm từ động, thực vật, côn trùng, nấm, tảo bằng phương pháp mới.
Feddern cho biết, một số công ty địa phương đã sản xuất thịt nhân tạo như BRF, JBS, Cellva Ingredients nhưng chỉ đầu tư vào sản phẩm thịt phi cấu trúc như hamburger, khác với sản phẩm có cấu trúc như ức gà.
Dự án đang tập trung vào 2 lĩnh vực riêng biệt, phát triển điều kiện tối ưu để nuôi vi khuẩn sản xuất nanocellulose, tạo ra một dòng thương mại khả thi và lĩnh vực còn lại là sản xuất chất tương tự thịt gà. Ngoài ra, Brazil sẽ xây dựng ngân hàng sinh học của các dòng tế bào gia cầm để cung cấp cho thị trường, giúp các công ty sản xuất ổn định và nhất quán. Embrapa sẽ làm thủ tục xin cấp phép cho các dòng tế bào này.
Thịt gà là thực phẩm quan trọng trong bữa ăn của người Brazil và đã vượt qua thịt bò để trở thành loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất tại quốc gia này từ hơn 1 thập kỷ trước. Tiêu thụ bình quân thịt gia cầm tại Brazil năm 2022 ước tính đạt 40,7 kg/người, đứng thứ 6 trên thế giới, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Brazil.
Theo một cuộc khảo sát của Embrapa, rất nhiều người tiêu dùng Brazil sẵn sàng đón nhận thịt gà nhân tạo khi nhận thấy sự ra đời của sản phẩm này bắt nguồn từ những động cơ tích cực. Dù vậy, một số ít vẫn lo ngại tính an toàn của sản phẩm, giá trị dinh dưỡng, mùi vị, kết cấu và phương pháp sản xuất.
Vũ Đức
(Theo WorldPoultry)