Ngày 11/12, giới chức Brazil cho biết gần 1.000 con sư tử biển và hải cẩu chết vì cúm gia cầm ở miền Nam nước này, làm dấy lên quan ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Tại bang Rio Grande do Sul ở cực Nam Brazil, giới chức xác nhận 942 con sư tử biển và hải cẩu chết vì cúm gia cầm độc lực cao (HPAI). Theo khuyến nghị của nhà nghiên cứu hải dương Silvina Botta thuộc Đại học Liên bang Rio Grande, xác của động vật chết cần được tiêu hủy và chôn lấp càng sớm càng tốt để giảm thiểu nguy cơ lây lan virus cúm gia cầm sang người hoặc những loài động vật khác.
Ảnh minh họa.
Hồi tháng 5, quốc gia Nam Mỹ này lần đầu tiên xác nhận những trường hợp cúm gia cầm độc lực cao ở các loài chim hoang dã. Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp Brazil đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan đến các trang trại chăn nuôi gia cầm xuất khẩu.
Mặc dù vậy, virus cúm gia cầm vẫn lây lan sang các loài động vật khác, gồm chim biển, sư tử biển và hải cẩu. Ngoài ra, nhà chức trách còn tìm thấy xác cá heo chuột và chim cánh cụt chết trôi dạt vào bờ biển, song chưa xác nhận liệu hai loài này có kết quả xét nghiệm dương tính đối với virus cúm gia cầm hay không. Nhà khoa học Botta cho biết hồi tháng 9 vừa qua, nhà chức trách xác nhận sư tử biển và hải cẩu chết tại bang Rio Grande do Sul vì liên quan đến cúm gia cầm độc lực cao. Hiện dịch cúm gia cầm vẫn đang hoành hành tại 3 thị trấn thuộc bang này.
Theo nhận định của bà Botta, sự lây lan virus cúm gia cầm trong các loài động vật biển có vú dường như khởi phát ở Peru và sau đó lây lan sang các nước khác ở Nam Mỹ như Chile, Argentina, Uruguay và hiện là Brazil.
Bộ Nông nghiệp Brazil ghi nhận 148 đợt bùng phát cúm gia cầm độc lực cao ở nước này, phần lớn xảy ra dọc bờ biển. Bộ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế, nhằm đối phó và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Nguyễn Hà