Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, kết quả kiểm tra tại các địa phương cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng và nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đó là, địa phương chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định; việc giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời.
Bộ Nông nghiệp thành lập 35 đoàn kiểm tra phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người mua lợn và phương tiện vận chuyển lợn làm dịch bệnh lây lan diện rộng, công tác quản lý giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch chưa thực hiện theo quy định. Dịch bệnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học.
Trong khi đó, hệ thống thú y từ cấp tỉnh đến cấp xã đều rất thiếu, yếu, chưa tham mưu kịp thời, có hiệu quả các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, phòng, chống dịch bệnh; không có hoặc thiếu lực lượng thú y để tổ chức triển khai xử ly sổ dịch theo đúng quy định. Nhiều địa phương thiếu hoặc không thông tin, tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, vắc xin phòng bệnh, các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh. Tại một số địa phương, chính quyền cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm, chưa huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Long, mặc dù đã có vắc xin dịch tả lợn châu Phi, nhưng các địa phương và người chăn nuôi chưa tổ chức tiêm phòng cho đàn lợn thịt. Thực tế cho thấy, một số địa phương làm tốt tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi nên đã kiểm soát được dịch bệnh như: Cao Bằng, Bắc Giang, Sơn La, Bến Tre, Trà Vinh…
Để bảo đảm phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. địa phương kịp thời hỗ trợ, bố trí kinh phí cho chính quyền cấp xã tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.
Đồng thời đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 4870 về việc sử dụng vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngành chức năng cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh chuồng trại, thường xuyên phun khử trùng tiêu độc chuồng trại; tích cực hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Minh Long
Nguồn: VOV Online