Năm 2022, giá con dông tăng, nên người nuôi dông ở xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết) phấn khởi. Trước sự gia tăng về giá, các hộ chăn nuôi đang mở rộng diện tích để tái đàn.
Sẽ vượt ngưỡng 1 triệu đồng/kg
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá dông được thu mua tại chuồng là 800.000 đồng/kg, tăng hơn so với thời điểm năm 2020, 2021 (500.000 – 600.000 đồng/kg, nhưng cũng khó bán do ảnh hưởng dịch Covid-19). Thậm chí, có những lúc “hút hàng”, giá lên đến mức 1 triệu đồng/kg, khả năng đến thời điểm giáp Tết nguyên đán, giá dông sẽ vượt ngưỡng hơn 1 triệu đồng/kg. Dông là món ăn đặc sản của Bình Thuận, nhu cầu tăng cao từ các nhà hàng, du khách. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tánh, người thu mua dông ở Thiện Nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, người nuôi dông ở xã Thiện Nghiệp, năm 2022, giá dông tăng, tương đối ổn định làm cho người nuôi khá phấn khởi. Giá dông thương phẩm tăng, kéo theo giá dông đánh bắt trong tự nhiên cũng tăng, dao động 600.000 – 700.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nguồn dông tự nhiên không có nhiều, bị cạn kiệt sau thời gian đánh bắt quá mức. Nhớ lại, từng có những năm, giá dông thấp ở mức 250.000 đồng/kg khiến cho nhiều hộ nuôi bỏ nghề, chỉ còn trụ lại ít hộ. Tại thời điểm này, giá dông bán tại chuồng hơn 800.000 đồng/kg, nhưng người nuôi không đủ dông cung cấp. Thêm vào đó, con dông cảm nhận thời tiết khá tốt. Trời mưa hoặc vào mùa gió bấc thổi, dông trú ẩn sâu trong lòng đất, không lên ăn uống, nên không thể bắt để bán. Người nuôi chỉ bắt được dông, khi trời nắng ráo và lúc có gió nam, gió nồm thổi.
Ông Trần Ngọc Hận – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp cho biết: Lúc đầu giá dông tăng cao, giúp nhiều hộ gia đình cải thiện được nguồn thu nhập. Sau đó, giá dông xuống thấp do không có đầu ra. Điều này làm cho nhiều người nuôi bỏ chuồng trại, thu hẹp diện tích nuôi. Đến nay, toàn xã có khoảng 20 hộ nuôi dông, giảm 40% so với trước đây, thì giá lại tăng.
Sau sơ chế, dông được đóng gói, hút chân không, cấp đông.
Tái đàn
Trước tình hình giá dông tăng cao, ông Phụng tỉa bớt số diện tích cây keo, cây đào để mở thêm diện tích chuồng nuôi. Hiện nay, ông Phụng có 3 chuồng nuôi (hơn 6.000 con dông), với diện tích 2.500 m2. Không riêng gì ông Phụng, mà nhiều hộ nuôi dông khác ở xã Thiện Nghiệp cũng mở rộng diện tích chuồng nuôi để tái đàn.
Theo ông Tánh, người thu mua dông, dông cát Bình Thuận là đặc sản, có thương hiệu, được nhiều người ưa chuộng. Thịt dông là sản phẩm sạch (bởi dông chỉ ăn rau, củ, quả…) chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như nướng, trộn gỏi, chiên bơ… góp phần tạo sự phong phú về ẩm thực Bình Thuận. Đồng thời, sau dịch bệnh, du lịch phục hồi, nhà hàng, quán xá hoạt động bình thường, nhu cầu thực khách tăng, nên giá dông cũng tăng theo; đặc biệt vào dịp lễ, tết dài ngày lại tăng thêm.
Ông Hận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp cho biết địa bàn xã có Công ty TNHH Ba Tường bao tiêu sản phẩm đầu ra con dông của người nuôi theo giá thị trường và đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Bên cạnh việc cung cấp con dông còn sống cho thị trường, công ty này còn sơ chế làm sạch, đóng gói, hút chân không, cấp đông sản phẩm. Với cách sơ chế này, sản phẩm đi đến nhiều tỉnh, thành và nhiều thực khách ưa chuộng bởi sự tiện lợi. Cứ 1,4 kg dông sống, sau khi sơ chế, tạo ra thành phẩm 1 kg dông cấp đông. Hiện nay, sản phẩm dông 1 nắng, dông sấy… đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nhờ vào sự bao tiêu đầu ra, các hộ nuôi dông trong xã đang mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi để tái đàn.
Trang Minh
Nguồn: Báo Bình Thuận