Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, hoạt động chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi. Nổi bật là giá thịt hơi nhiều loại gia súc, gia cầm (GSGC) tăng, một số địa phương gia tăng đàn nuôi. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh được kiểm soát…
Gia tăng đàn nuôi
Thời điểm cánh đồng lúa ở huyện Tuy Phong vừa thu hoạch xong, cũng là lúc hàng trăm con bò của người dân địa phương được chăn thả để ăn cỏ, rơm thơm bạt ngàn trên cánh đồng. Ông Lư Ngọc Trắng và ông Đàng Quốc Đại là hai trong số nhiều người dân ở thôn Vĩnh Hanh, xã Phú Lạc vừa trồng lúa, vừa đầu tư nuôi bò. Những nông dân này chia sẻ, thời gian gần đây, dù giá bán không cao (khoảng trên 15 triệu đồng/con), nhưng chăn nuôi kết hợp sản xuất nông nghiệp sẽ giúp bà con ổn định kinh tế hơn.
Chăn nuôi bò ở huyện Tuy Phong.
Ông Nhữ Quốc Thích – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong cho biết, Tuy Phong là một trong những địa phương của tỉnh đang có xu hướng phát triển đàn GSGC. Từ năm 2023 đến nay tình hình chăn nuôi GSGC trên địa bàn huyện ổn định. Các loại dịch bệnh trên GSGC được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt là đàn cừu, dê, bò đang có xu hướng phát triển trở lại, trong đó tổng đàn bò trên 14.000 con, tổng đàn heo hơn 2.000 con, tập trung ở xã Phong Phú, Phú Lạc…
Riêng chăn nuôi heo, ghi nhận hơn 1 tháng qua, cùng với thị trường cả nước, giá heo hơi trong tỉnh đã tăng khoảng 20.000 đồng (xấp xỉ 70.000 đồng/kg) nên bà con chăn nuôi có lợi nhuận khá, tiếp tục tái đàn. Nguyên nhân tăng giá heo hơi được nhận định là do nguồn cung thiếu hụt và yếu tố tâm lý trên thị trường. Đây cũng là lý do các sản phẩm thịt heo bán đến tận tay người tiêu dùng tăng giá từ 10.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại.
Chăn nuôi heo quy mô trang trại.
Thống kê đến nay toàn tỉnh có 191.560 con trâu, bò, tăng 2,11% so với cùng kỳ. Chăn nuôi bò phát triển khá thuận lợi theo hướng tăng năng suất, chất lượng. Nhiều chương trình lai tạo đàn bò được nhiều hộ chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh quan tâm nên chất lượng được cải thiện, tỷ lệ bò lai trong tổng đàn có khuynh hướng ngày càng cao. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 397.500 con heo (không tính heo con chưa tách mẹ), tăng 4,84% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm, phát triển khá tốt, dịch bệnh được kiểm soát, giá cả và tình hình tiêu thụ ổn định, nhiều cơ sở chăn nuôi mở rộng quy mô đàn.
Tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực
Đáng chú ý, theo ngành nông nghiệp tỉnh, những tháng đầu năm, chăn nuôi tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường.
Toàn tỉnh hiện có trên 220 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có 66 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn, được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Đồng thời, có 10 trang trại được công nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và 1 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và được phép xuất khẩu là Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt.
Nhìn lại nửa năm qua, có thể nói một trong những điểm sáng của ngành chăn nuôi là trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc, bệnh tai xanh trên heo… Một số bệnh truyền nhiễm khác có xảy ra trên GSGC nhưng ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch. Kết quả này có sự nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã tổ chức phun thuốc sát trùng, rải vôi. Song song huy động, thành lập các đội, tổ phun thuốc sát trùng và tổ chức ra quân làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các chợ, các điểm công cộng, phun thuốc sát trùng ở các khu vực có ổ dịch cũ và các hố chôn gia súc mắc bệnh. Đồng thời, cấp phát hóa chất sát trùng cho các hộ chăn nuôi, các chủ lò giết mổ gia súc, gia cầm tự tổ chức phun xịt dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Tuy vậy, cũng cần chú ý, khi những tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 5 ca bệnh dại trên chó, mèo tại địa bàn TP. Phan Thiết. Đến nay, tình hình dịch bệnh dại trên động vật đã được kiểm soát.
Từ những tín hiệu vui của hoạt động chăn nuôi những tháng đầu năm, để đạt kết quả tốt thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh, các địa phương đang tập trung phát triển chăn nuôi GSGC quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn gắn với hoạt động giết mổ, chế biến tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời, triển khai tốt phòng chống dịch bệnh trên đàn GSGC. Phấn đấu đưa sản lượng thịt hơi các loại năm 2024 đạt 96.000 tấn.
K. Hằng
Nguồn: Báo Bình Thuận