UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh năm 2024. Qua đó nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh động vật gây ra, góp phần ổn định, phát triển sản xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng.
Mục tiêu đặt ra của kế hoạch là chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngăn ngừa sự phát triển của các loại dịch bệnh động vật trên địa bàn, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, bệnh cúm gia cầm, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng ở gia súc, bệnh dại trên động vật và các dịch bệnh động vật khác. UBND tỉnh yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, huy động cả hệ thống chính trị, đoàn thể và toàn dân cùng thực hiện. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho 100% GSGC thuộc diện tiêm phòng theo quy định.
Chăn nuôi gia súc tại hộ gia đình.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong năm 2024 toàn tỉnh sẽ tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò với nhu cầu vắc xin tiêm phòng đợt 1/2024 là 98.200 liều (tháng 4 – 5); đợt 2/2024 là 141.200 liều (tháng 10 – 11). Vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò cho đồng bào dân tộc miền múi, vùng cao trên địa bàn tỉnh năm 2024, dự kiến số lượt trâu, bò tiêm phòng toàn tỉnh là 19.750 con, với nhu cầu vắc xin 19.750 liều. Ngoài ra, vắc xin cúm gia cầm dự kiến số lượt gia cầm tiêm phòng là 346.000 con gà và 800.000 con vịt, với tổng nhu cầu vắc xin 1.680.000 liều/0,5ml. Riêng vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò với số lượng dự kiến 141.200 con với nhu cầu vắc xin 141.200 liều.
Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi dự toán năm 2024 đã giao cho ngành, địa phương. Trong đó, ngân sách tỉnh đảm bảo kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh GSGC, bao gồm kinh phí mua thuốc sát trùng, trang thiết bị bảo hộ phục vụ phòng, chống dịch; kinh phí tổ chức lấy mẫu giám sát dịch bệnh bị động, giám sát sau tiêm phòng; thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát, hội nghị về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn ở cấp tỉnh. Ngân sách huyện đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn tại địa phương.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch. Các giải pháp thực hiện được triển khai cả khi chưa có dịch, khi có dịch và khi hết dịch. Trong đó, cần tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch từ tỉnh đến cơ sở. UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh GSGC tại địa phương để sẵn sàng đối phó trong mọi tình huống khi có dịch xảy ra…
K. Hằng
Nguồn: Báo Bình Thuận