Bình Phước: Người nuôi dê ở Lộc Ninh gặp khó

“Cơn bão” dịch Covid-19 tàn phá thời gian qua gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Đối với huyện biên giới Lộc Ninh, không chỉ hàng trăm tấn trái cây khó tiêu thụ mà dịch bệnh cũng đã làm chăn nuôi đình trệ, nhất là lĩnh vực nuôi dê. Không chỉ rớt giá, người nuôi dê ở Lộc Ninh còn gặp khó trong tìm đầu ra cho sản phẩm.

Như ngồi trên lửa

Thời gian qua, ở huyện Lộc Ninh, chăn nuôi dê phát triển mạnh, hiện toàn huyện có trên 80.000 con của gần 6.000 hộ nuôi. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ nuôi dê. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, giá dê giảm mạnh và không có đầu ra vì dịch Covid-19, gây khó khăn cho không ít hộ chăn nuôi. Huyện đã thành lập Tổ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản để cùng ngành nông nghiệp và cộng đồng tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cho người dân.

 

nuôi dê lộc ninh

Cán bộ Hội Nông dân huyện Lộc Ninh đi khảo sát, tìm hướng tiêu thụ dê cho người dân

Anh Đỗ Bá Vinh ở ấp Bù Nồm, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh chuyên nuôi dê vỗ béo theo hình thức chăn nuôi trang trại. Những năm qua, nhờ trại dê mà đời sống của gia đình anh vươn lên khá giả. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến đàn dê hơn 400 con, trong đó trên 150 con đã đến kỳ xuất chuồng đang bị rớt giá và rất khó tiêu thụ. Theo tính toán của anh Vinh, giá cám hiện nay tăng vọt (250 ngàn đồng/bao), trung bình 1 con dê tiêu thụ khoảng 10 ngàn đồng tiền cám/ngày, tính ra đàn dê của anh mỗi ngày mất vài triệu đồng tiền cám. Để hạn chế thua lỗ, anh Vinh cắt giảm nguồn thức ăn cho dê và tăng cường cho ăn lá keo. Tuy nhiên, giải pháp này không trụ được lâu dài. Anh Vinh chia sẻ: “Gia đình tôi mua dê nhỏ, giá từ 180-210 ngàn đồng/kg về vỗ béo, giờ xuất bán giá chỉ còn 70 – 80 ngàn đồng/kg, mà cũng không có người mua trong khi giá cám vẫn tăng mỗi ngày. Người chăn nuôi như ngồi trên đống lửa”.

Hoàn cảnh hộ anh Ngô Kiệt ở ấp Bù Tam, xã Lộc Quang cũng khó khăn không kém. Một mình “gà trống nuôi con”, bao nhiêu công sức, vốn liếng anh đầu tư hết vào nuôi dê. Cách đây 2 tháng, anh mua 110 con dê, trọng lượng từ 10 – 16 kg/con với giá 192 ngàn đồng/kg về vỗ béo với hy vọng kiếm vốn đầu tư. Thế nhưng, nay đến kỳ xuất bán, thương lái không thu mua, đành chịu lỗ để dê sinh sản. Nhưng anh đang rất lo, 1 mình khó kham nổi khi giá cám ngày càng tăng. Anh Kiệt bộc bạch: “Đây là tài sản duy nhất của bố con tôi. Có bao nhiêu vốn liếng tôi đều đầu tư hết vào đàn dê này, nay đã lên đến khoảng 450 triệu đồng. Với giá bán hiện chắc còn khoảng hơn 200 triệu đồng. Nếu bán được, tôi chấp nhận chịu lỗ”. 

“Vào thời điểm này năm ngoái, thương lái vào tận nhà bao tiêu sản phẩm với giá 200 ngàn đồng/kg. Nông dân thấy lợi nhuận cao, ham lắm, đổ tiền vào đầu tư. Bây giờ dịch bệnh diễn biến phức tạp không có nơi tiêu thụ, ai cũng chật vật, đứng ngồi không yên”.

Anh Ngô Văn Thảo, ấp Bù Tam, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh 

Nỗ lực tìm đầu raCũng rơi vào tình cảnh như anh Kiệt, anh Ngô Văn Thảo, cùng ở ấp Bù Tam đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để làm chuồng nuôi 300 con, trong đó có khoảng 100 con đã tới kỳ xuất bán. Một số con đã quá lứa nhưng chưa có nơi tiêu thụ. 

3 năm trở lại đây, tận dụng tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực và đất đai ở địa phương, cùng với giá thịt dê trên thị trường ở mức cao, nhiều nông dân Lộc Ninh đã đầu tư nuôi dê, một số hộ còn phát triển theo quy mô trang trại.

Ấp Bù Nồm có 218 hộ dân, trong đó 56% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số và nơi đây có trên 75% số hộ đang đầu tư nuôi dê. Hộ có ít nuôi 3, 4 con nái, hộ trung bình nuôi khoảng 100 con/chuồng. Một số trang trại nuôi từ 300 đến 500 con. Tình trạng giá dê xuống thấp, không có thương lái thu mua khiến nhiều nông hộ bất an… Ông Đặng Đức Hải, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Bù Nồm cho biết: “Khi tiêu chết, giá cả không ổn định, hầu hết các hộ dân trong ấp chuyển sang nuôi dê. Nay dê đã đến kỳ xuất chuồng, lại không có đầu ra, bán nhỏ lẻ thì giá rất thấp. Chúng tôi rất mong ngành chức năng sớm hỗ trợ tìm đầu ra cho người dân”.

Chủ tịch Hội Nông dân, Tổ trưởng Tổ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản huyện Lộc Ninh Lê Khắc Phú cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có nơi tiêu thụ, các hộ nuôi dê đang phải cầm cự và tìm mọi cách giữ đàn. Trước tình hình đó, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập Tổ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chúng tôi cũng đã họp và phân công thành viên mỗi người 1 lĩnh vực, chủ động tìm đầu ra cho người dân. Đặc biệt là trái cây và dê của các hộ dân đã đến kỳ phải thu hoạch, xuất bán”.

Thanh Tuyền – Thu Trang

Nguồn: Báo Bình Phước
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *