Bình Phước: Người nuôi dê gặp khó

Thời gian qua, nuôi dê luôn mang lại giá trị kinh tế và dê đã trở thành vật nuôi góp phần giảm nghèo ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến giá dê giảm mạnh. Điều này không chỉ tác động đến việc duy trì và phát triển đàn dê mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều hộ dân.

Giá giảm sâu

Hơn 10 năm nay, chuồng dê của hộ ông Lê Quang Chung ở ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh thường xuyên duy trì ổn định đàn từ 70 – 80 con. Hằng năm, gia đình thu từ nuôi dê hơn 150 triệu đồng. Tuy nhiên, từ sau tết Nguyên đán 2023 đến nay giá dê “tuột dốc”, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Ông Chung cho biết, cuối năm 2022, dê giống có giá từ 170 – 190 ngàn đồng/kg, dê thịt từ 110 – 125 ngàn đồng/kg, nay giảm chỉ còn 120 – 135 ngàn đồng/kg đối với dê giống và từ 60 – 80 ngàn đồng/kg dê thịt. Đặc biệt, đối với dê cái có trọng lượng hơn 30 kg giá chỉ còn 60 – 62 ngàn đồng/kg, so với cùng kỳ năm 2022 giảm hơn 30 ngàn đồng/kg. “Vào mùa khô, do thiếu thức ăn cho dê nên nhiều hộ muốn bán để giảm đàn, các thương lái nhân cơ hội ép giá, nhưng chưa có năm nào bị ép giá như năm nay. Thương lái tìm đủ mọi lý do như chê màu lông không đẹp, đầu dê có đốm đen… để ép giá” – ông Chung chia sẻ.

nuôi dê bình phước

Từ khó khăn về thức ăn lẫn giá bán thấp, ông Ngô Đức Nhật ở ấp Hiệp Hoàn, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh phải giảm mạnh đàn dê từ hàng trăm con xuống còn hơn 40 con

Hộ ông Bùi Văn Vàng ở ấp Tân Định, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp cũng thường xuyên duy trì ổn định đàn dê từ 50-60 con. Những năm qua, nguồn thu từ đàn dê đủ để gia đình ông trang trải cuộc sống. Nhưng hiện nay, giá dê xuống thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của người nuôi dê, nhất là những hộ sống chủ yếu dựa vào nguồn thu này.

Theo các hộ nuôi, nguồn thức ăn chủ yếu cho dê từ lá cây lồng mức là nọc tiêu sống. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá tiêu duy trì ở mức thấp nên người dân bỏ bê hoặc phá bỏ vườn tiêu, khiến nguồn thức ăn cho dê gặp khó. Bên cạnh đó, vào mùa khô thiếu nước nên trồng cỏ nuôi dê cũng không dễ. Trong khi thức ăn cho dê còn phải có cám, bắp, nhưng với giá dê giảm sâu như hiện nay người nuôi không thể đầu tư thêm.

Ông Chung cho biết: “Trước đây, ở xã Lộc Hiệp nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung, bà con trồng tiêu kết hợp nuôi dê rất phổ biến. Nay diện tích tiêu thu hẹp hoặc không chăm sóc được nên thức ăn cho dê càng khó, nhất là vào mùa khô. Nắm bắt được điểm yếu đó, các thương lái đã tìm cách ép giá”.

 

Cần giải pháp căn cơ

Bên cạnh giá giảm mạnh, nguồn thức ăn khan hiếm, khí hậu diễn biến thất thường dẫn đến tình trạng dịch bệnh trên đàn dê. Để tránh thiệt hại nặng về kinh tế, nhiều nông hộ đã chọn giải pháp giảm đàn hoặc thanh lý hết đàn dê. Hộ ông Ngô Đức Nhật ở ấp Hiệp Hoàn, xã Lộc Hiệp nhiều năm trước luôn duy trì ổn định từ 100 – 120 con, nhưng nay chỉ nuôi hơn 40 con. Ông Nhật cho hay: Chỉ nhà nào còn nọc tiêu sống làm thức ăn cho dê thì nuôi hoặc hộ nuôi vài con cầm chừng. Gia đình tôi thì buộc phải giảm đàn vì thiếu thức ăn cho dê. Hiện nay, ở xã Lộc Hiệp rất nhiều hộ chăn nuôi bỏ chuồng vì khó khăn về giá cả và nguồn thức ăn.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp cho biết, thời gian qua Lộc Hiệp là một trong những địa phương phát triển chăn nuôi dê mạnh với khoảng 80 – 90% hộ dân tham gia nuôi. Hiện địa phương có 2 hợp tác xã nuôi dê sạch, được đầu tư trang thiết bị, lò giết mổ, lò sấy, tủ đông, máy hút chân không đóng gói… Tuy nhiên giá cả bấp bênh, thức ăn khan hiếm vào mùa khô khiến hoạt động chăn nuôi và cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp Hội Nông dân huyện thành lập Hội quán dê vàng, tập hợp những hộ nuôi dê để giải quyết khó khăn về kỹ thuật chăm sóc cũng như đầu ra sản phẩm để hạn chế bị thương lái ép giá.

Chi phí đầu tư nuôi dê không lớn, vì vậy một thời dê là vật nuôi mang lại thu nhập chính của nhiều gia đình ở các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố dẫn đến giá dê giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều hộ nuôi, nhất là với các hộ kinh tế khó khăn. Để người chăn nuôi có thể “sống khỏe” với đàn dê, loài vật nuôi phù hợp với những hộ ít vốn, một giải pháp giảm nghèo hiệu quả, rất cần những giải pháp căn cơ, định hướng mang tính lâu dài của ngành chức năng và chính quyền địa phương cả về giá, đầu ra cho sản phẩm và nguyên vật liệu đầu vào…

Văn Đoàn

Nguồn: Báo Bình Phước
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *