Bình Phước: Nâng cao tầm vóc, sức sản xuất đàn dê địa phương

Dê là động vật ăn tạp, ít bị bệnh, vốn đầu tư thấp, quay vòng vốn nhanh; thịt dê là thực phẩm sạch, chế biến được nhiều món ăn có giá trị dinh dưỡng cao được người tiêu dùng ưa chuộng. Vậy nên những năm gần đây, nghề nuôi dê ở TX. Bình Long đang phát triển mạnh cả về quy mô và số hộ chăn nuôi.

Vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát

Tại TX. Bình Long, những năm gần đây cây hồ tiêu chết nhiều, thu nhập của người trồng tiêu giảm đáng kể nên nhiều hộ đã trồng xen cỏ, tận dụng lá cây nọc sống như keo, anh đào… làm nguồn thức ăn phát triển đàn dê. Tuy nhiên, tổng đàn dê của thị xã vẫn chưa nhiều, tập trung chủ yếu ở 2 xã Thanh Lương và Thanh Phú với hơn 500 hộ nuôi, số lượng khoảng 6.000 con. Chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, bởi chi phí thấp, thức ăn chủ yếu là cây cỏ và tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp. Theo tính toán, 1 con dê cái sinh sản có thể cho thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng/năm.

nuôi dê bình phước

Ông Lê Văn Duyệt, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ kiểm tra đàn dê dự án tại nhà ông Phan Kim Toàn ở xã Thanh Lương, TX. Bình Long

Ít đất, giá nông sản bấp bênh là lý do gia đình ông Đặng Văn Tống ở tổ 8, ấp Thanh Thủy, xã Thanh Phú chọn dê làm vật nuôi mang lại kinh tế chính. Tuổi cao nhưng hằng ngày ông vẫn đi hái lá keo và cắt cỏ làm thức ăn cho dê. Ông Tống cho biết, dê dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn chính là cỏ và lá cây nên nuôi dê không tốn nhiều chi phí chăm sóc mà lợi nhuận cao. Vì vậy, gia đình ông và nhiều nông dân trong xã chọn dê để phát triển kinh tế. 

Dê là vật nuôi chính, giúp gia đình ông Nguyễn Văn Huấn ở ấp Sóc Bưng, xã Thanh Phú vượt qua khó khăn khi giá hồ tiêu xuống thấp. Nhà ông Huấn hiện có 25 con dê sinh sản, mỗi năm bán được 20 con dê thương phẩm. “Nhờ đàn dê mà gia đình tôi vẫn giữ được vườn tiêu, kinh tế ổn định. Tôi nghĩ, mọi người nếu có điều kiện, có công lao động nên nuôi thêm dê để cải thiện cuộc sống” – ông Huấn nói. 

nuôi dê bình phước

Lá cây keo là nguồn thức ăn chính của đàn dê

Chăn nuôi dê ở Bình Long đa số vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Giống dê chủ yếu là dê địa phương có tầm vóc nhỏ, chậm lớn, khả năng cho thịt thấp; người nuôi chưa quan tâm đúng mức đến giống, việc áp dụng khoa học – kỹ thuật còn hạn chế. Trên địa bàn thị xã cũng đã hình thành 1 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến bàn ăn, nhưng việc thực hiện liên kết với đơn vị thu mua chưa chặt chẽ, thiếu ổn định. Trong khi tầm vóc và năng suất của một số giống dê nhập ngoại khá cao, đặc biệt là dê boer. Do đó, để nâng cao tầm vóc và năng suất đàn dê của địa phương, một số hộ đã tìm mua các giống dê có tầm vóc lớn con hơn dê địa phương để làm giống, song số lượng rất ít.

 

Cải thiện thể trạng đàn dê

Để phát triển đàn dê, năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Bình Long thực hiện dự án “Ứng dụng mô hình cải tạo đàn dê nhằm nâng cao tầm vóc, sức sản xuất của dê địa phương, thực hiện chuỗi liên kết tại TX. Bình Long”, thời gian thực hiện 18 tháng. Đầu tháng 10-2022, sở đã nghiệm thu dự án này. Theo đó, dự án đã chọn 10 hộ đang nuôi dê, trong đó 6 hộ thuộc Hợp tác xã chăn nuôi dê xã Thanh Phú, 4 hộ ở xã Thanh Lương. Mỗi hộ có ít nhất 10 dê cái đủ tiêu chuẩn làm giống, có lao động, chuồng trại, có ít nhất 1.000 nọc tiêu và 2.000 m2 đất để trồng cỏ, có đủ vốn đối ứng, cam kết thực hiện đúng yêu cầu của dự án. Sau đó, nhập về 10 con dê đực giống boer lai, 30 dê cái bách thảo giao cho các hộ dân thụ hưởng, mỗi hộ 1 dê đực boer và 3 dê cái bách thảo, đồng thời hỗ trợ thức ăn tinh tổng hợp cho 40 con dê này trong suốt thời gian thực hiện dự án. 

nuôi dê bình phước

Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước kiểm tra quy trình chăn nuôi dê tại các hộ dân được thụ hưởng dự án.

Dê được nuôi nhốt hoàn toàn, mỗi loại bố trí nuôi theo các ô chuồng riêng, có máng ăn, máng uống đầy đủ. Thức ăn gồm các loại thức ăn thô, thức ăn tinh, thức ăn khoáng. Dê được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Hằng ngày, nông dân kiểm tra sức khỏe đàn dê, vệ sinh chuồng trại. Định kỳ 1 năm luân chuyển dê đực giống 1 lần.   

Qua kết quả thu thập được sau thời gian thực hiện dự án, về khối lượng, tăng trưởng tuyệt đối, kích thước các chiều đo, khả năng sinh sản của dê địa phương với các giống dê lai cho thấy dê phát triển tốt, cao, to hơn rất nhiều, khả năng sinh sản được rút ngắn hơn, số con/lứa, số lứa/năm cũng cao hơn nhiều so với dê địa phương. Mặt khác, số lượng dê bố mẹ không bị hao hụt, vẫn đảm bảo khả năng sinh sản và tăng trọng trong suốt thời gian thực hiện dự án, cho thấy dê bố mẹ đã thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi nông hộ tại Bình Long.

Ông Nguyễn Ngọc Long ở ấp Thanh Hà, xã Thanh Phú, người thụ hưởng dự án cho biết: “Trước đây, gia đình nuôi dê địa phương nên năng suất thấp. Từ ngày tham gia dự án, được hỗ trợ dê bách thảo và dê boer, đàn dê đã cải thiện rất nhiều, rất ít bị bệnh; dê con sinh ra to hơn, nhanh lớn, nhanh xuất chuồng”.

 

Nâng cao thu nhập cho người dân

Qua kiểm tra, đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, trong quá trình triển khai dự án, nông dân đã dần nâng cao về kỹ thuật chăn nuôi dê, hạn chế tối đa trường hợp bị bệnh, nâng cao tỷ lệ nuôi sống và khả năng sản xuất của đàn dê. Người chăn nuôi cũng thay đổi nhận thức trong việc áp dụng khoa học – kỹ thuật để nâng cao chất lượng con giống, tăng hiệu quả chăn nuôi. “Sau khi tiếp nhận giống dê boer và bách thảo, các hộ dân đã cải thiện được đàn dê rõ rệt. Qua kiểm tra cho thấy, dê của dự án cung cấp cho người dân đang phát triển tốt, sinh sản đều, giúp cải thiện cuộc sống của người dân tham gia dự án” – ông Lê Văn Duyệt, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định.  

Cùng với việc cải tạo đàn dê, dự án còn xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Theo tính toán, trung bình lợi nhuận thô thu được từ chăn nuôi dê lai là 7,5 triệu đồng/con, trong khi chăn nuôi dê địa phương chỉ được 2,6 triệu đồng/con. 

Kết thúc dự án, qua số liệu ghi chép của các hộ dân đã chứng minh dê lai từ dê địa phương và dê dự án đưa về có màu lông phù hợp với thị hiếu thị trường, khối lượng lớn hơn; tầm vóc tăng từ 15 – 20% so với giống dê truyền thống; tăng thu nhập cho nông dân từ 15-20%… “Trong thời gian thực hiện dự án, do bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chuỗi liên kết bị đứt gãy, các nhà hàng không tiêu thụ được dê thương phẩm nên thu nhập của nông dân bị giảm sút. Nhưng đến nay giá dê, thị trường đã ổn định nên nông dân rất phấn khởi và biết ơn sự hỗ trợ của Nhà nước” – bà Nguyễn Thị Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Bình Long, chủ nhiệm dự án chia sẻ.

Có thể thấy, nuôi dê đã góp phần nâng cao đáng kể thu nhập cho người nuôi. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thuyết phục người dân phát triển chăn nuôi dê lai để nâng cao tầm vóc, sức sản xuất của đàn dê địa phương tại Bình Long; đồng thời khẳng định, việc thúc đẩy chăn nuôi dê là hướng đi đúng, hiệu quả. Việc thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ngày càng hiệu quả, ổn định và bền vững, giúp nông dân yên tâm sản xuất, đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi dê thương phẩm.

Hiền Lương

Nguồn: Báo Bình Phước
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *