Trong những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh đã từng bước phát triển, khẳng định được vị trí và đóng vai trò quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Phát triển ổn định
Nhìn chung, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, chất lượng đàn vật nuôi được nâng cao. Chăn nuôi gà có 147 trang trại, trong đó có các công ty đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt, với hơn 8 triệu con, chiếm 68% so với tổng đàn; chăn nuôi vịt thịt có 56 trại, với số lượng 686.000 con, chiếm 72,06% so tổng đàn; chăn nuôi heo có 262 trang trại, với gần 700.000 con, chiếm 74,4 % so với tổng đàn.
Cơ sở chăn nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Thanh Bình (xã An Long, huyện Phú Giáo)
Các đối tượng vật nuôi chính, chủ lực của tỉnh là heo, bò sữa, bò thịt cao sản, gia cầm. Ngành chăn nuôi đã từng bước chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng trang trại chăn nuôi quy mô lớn an toàn sinh học, hữu cơ, bảo vệ môi trường sinh thái. Các trang trại chủ yếu tập trung ở 4 huyện phía bắc là Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên.
Trong năm 2023, toàn tỉnh tăng 7 trại chăn nuôi heo và 11 trại chăn nuôi vịt. Ngành chăn nuôi của tỉnh đã cung cấp cho thị trường 19.995 con trâu, bò thịt, tương đương 1.535,5 tấn; 3.054.213 con heo, tương đương 229.066 tấn; 28.340.335 con gia cầm lông, tương đương 60.931,7 tấn và 14.100 con dê, tương đương 177,7 tấn; tăng 59% so với cùng kỳ. Ngoài ra, mô hình nông nghiệp đô thị chủ yếu cá cảnh, ba ba, nhím, rắn, kỳ đà… hiện có 2.870 hộ đầu tư, với số lượng 15.631 con các loại.
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh
Ông Trần Phú Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đánh giá hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có thể phát sinh, do thời tiết bất lợi, đồng thời chưa tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh do đang thực hiện mua sắm tập trung. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành thú y phải tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó, giá bán vật nuôi trong thời gian qua biến động bất thường và luôn thấp hơn giá thành sản xuất, nhiều nhà chăn nuôi cắt giảm chuồng, cắt giảm tái đàn đối với gia cầm.
Ngoài ra, qua việc giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt, cá và các sản phẩm chế biến đã phát hiện kháng sinh cấm, chất cấm, chất bảo quản, phụ gia vượt ngưỡng cho phép, đợt 1-2023 là 25% và đợt 2-2023 là 38%. Điều này cho thấy tình trạng nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm là đáng báo động. Vì vậy, chi cục đề nghị các ngành, các cấp và cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, bước sang năm 2024, ngành tiếp tục chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị, thành phố thực hiện các văn bản về phòng, chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm của Trung ương và địa phương; xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và thủy sản; các kế hoạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Song song đó, chi cục tham mưu tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tổ chức tiêm phòng bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm và tiêm phòng dại trên chó, mèo… Ngoài ra, chi cục triển khai các giải pháp nhằm duy trì vùng an toàn dịch bệnh động vật đã được công nhận, xây dựng thêm các vùng an toàn dịch đối với bệnh dại, tăng cường kiểm tra công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ở các cơ sở, trang trại chăn nuôi; duy trì hoạt động Trạm Kiểm dịch động vật – đầu mối giao thông, phân công lực lượng thú y bảo đảm ca trực 24/24 giờ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, các phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật từ nơi giết mổ ra chợ…
Thoại Phương – Kim Châu
Nguồn: Báo Bình Dương