Bình Dương: Ngành chăn nuôi bảo đảm nguồn cung cho thị trường

Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường vào những tháng cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành nông nghiệp Bình Dương sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời khuyến khích thúc đẩy tái đàn theo hướng chăn nuôi an toàn.

Phát triển ổn định

Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 cũng như các loại dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, ngành chăn nuôi của Bình Dương vẫn giữ vững được đà tăng trưởng, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường. Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, trong 9 tháng năm 2021, ngành chăn nuôi trên địa bàn dù có những bất lợi, nhưng tình hình sản xuất, chăn nuôi của địa phương nhìn chung phát triển ổn định so với cùng kỳ. Tổng đàn heo 884.000 con, tăng 2,9%; đàn trâu, bò tăng 5,7%; đàn gia cầm tăng 0,6% so với cùng kỳ.

Không chỉ duy trì mức tăng trưởng, các mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại, khép kín, an toàn sinh học, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Trong chăn nuôi gà có 151 trang trại, tăng 4,1%, tăng 6 trang trại so với cùng kỳ; chăn nuôi vịt thịt hiện có 30 trang trại, tăng 17 trang trại, tăng 50% so với cùng kỳ; chăn nuôi heo có 208 trang trại, tăng 32 trang trại, tăng 18,2% so cùng kỳ. Đặc biệt, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tái đàn, tăng đàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và chuẩn bị nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm.

chăn nuôi bò sữa

Mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại, khép kín, an toàn sinh học giúp nâng cao giá trị sản phẩm bền vững. Trong ảnh: Mô hình trại bò sữa của Công ty Cổ phần đường Bình Dương (xã Phước Sang, huyện Phú Giáo)

Theo Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, trong 9 tháng năm 2021, tổng đàn heo trên địa bàn 260.000 con, so cùng kỳ tăng gần 3%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng hơn 25.000 tấn, tăng gần 4% so cùng kỳ. Hiện tại tình hình dịch bệnh không phát sinh, giá cả ổn định, từ đó tạo sự an tâm cho người dân chăn nuôi phát triển đàn. Tổng đàn gia cầm chăn thả trên địa bàn gần 3 triệu con, so cùng kỳ tăng hơn 16%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 8.000 tấn, tăng hơn 3% so cùng kỳ. Tổng đàn trâu có 172 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng gần 10 tấn; tổng đàn bò 3.715 con; số lượng đàn trâu, bò vẫn được người dân duy trì để phát triển kinh tế gia đình. “Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng các trang trại tập trung gắn với công tác xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường”, ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi Thú y huyện Phú Giáo cho hay.

 

Chú trọng tiến bộ kỹ thuật

Để duy trì ổn định sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tăng cường công tác quản lý. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổbiến Luật Chăn nuôi và các văn bản có liên quan. Đẩy mạnh công tác dự tính, dự báo về thị trường, xác định nhu cầu sản phẩm chăn nuôi để có cảnh báo, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho hay dự kiến đến cuối năm 2021 đàn vật nuôi cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Nguồn sản phẩm cơ bản bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong tỉnh và xuất bán ra thị trường các tỉnh khác. Cũng theo ông Cường, hiện nay ngành nông nghiệp đang hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm an toàn dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi tham gia, mở rộng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi nhằm ổn định giá cả và đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp cùng các địa phương để theo dõi tình hình phát triển sản xuất chăn nuôi và dịch bệnh. Thực hiện tăng đàn, tái đàn heo trên địa bàn tỉnh để bảo đảm nguồn cung.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương tổchức tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm; đồng thời phối hợp tổchức các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh.

>> Để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành trong những tháng cuối năm, đặc biệt là việc chuẩn bị cung ứng hàng hóa dịp Tết Nhâm Dần 2022, ngành nông nghiệp tỉnh cũng chú trọng chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng trang trại chăn nuôi quy mô lớn cũng như khuyến khích phát triển theo quy mô công nghiệp, chăn nuôi khép kín, chăn nuôi hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, chú trọng duy trì chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống theo hướng an toàn sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tập trung liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại.

Thoại Phương

Nguồn: Báo Bình Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *