Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định (Sở NN&PTNT), tình hình dịch cúm gia cầm trong nước đang diễn biến phức tạp; cùng với đó, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, nguy cơ đàn gia cầm mắc bệnh tăng cao, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động tái đàn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh về tăng cường phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, ngành chức năng tỉnh đã nghiêm túc chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch, tiêm vắc xin.
Hiện nay tổng đàn gia cầm toàn tỉnh có hơn 9,6 triệu con, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022. Từ đầu năm đến nay, do biến động về giá cả (giá nguyên liệu, thức ăn tăng cao), người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển đổi để giảm chi phí đầu vào nhằm ổn định doanh thu, như chuyển hướng sang nuôi gà an toàn sinh học, nuôi gà thả đồi, tận dụng nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp phối trộn thay thế dần thức ăn công nghiệp.
Về tiêm phòng, năm 2023, ngành nông nghiệp triển khai tiêm vắc xin cúm gia cầm khép kín nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm cho tổng dàn, hạn chế các nguy cơ lây nhiễm từ gia cầm nhỏ sang đàn gia cầm lớn. Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tăng tần suất lấy mẫu giám sát chủ động ở vùng chăn nuôi trọng điểm, các chợ đầu mối, nơi giết mổ tập trung, nhằm sớm phát hiện mối nguy, chủ động ngăn ngừa.
Các hộ chăn nuôi chủ động trong khâu tiêm phòng để ngăn ngừa dịch bệnh cho đàn gia cầm. Ảnh: T.D
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản công tác tiêm phòng và kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm duy trì đạt yêu cầu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, thêm vào đó là dịch bệnh ở tỉnh lân cận diễn ra phức tạp, nguy cơ mầm bệnh lan tỏa trong không khí vẫn cao; hoạt động vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới vào Việt Nam tăng cao – đây là những mối nguy tiềm ẩn mang theo mầm bệnh cúm gia cầm vào địa bàn tỉnh.
Do vậy, ngay khi có chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Định, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ phòng chống dịch; phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tiêm vắc xin theo đúng quy định.
Là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn trong tỉnh, huyện Hoài Ân luôn chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật trên địa bàn huyện.
Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện duy trì ổn định, riêng đàn gia cầm 832.700 con, đạt 106% kế hoạch. Đến nay, ngành chức năng tổ chức hoạt động tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc đàn vật nuôi, trong đó có đàn gia cầm trong mùa nắng nóng phù hợp; lực lượng thú y tiếp tục tiêm khép kín theo đúng quy định.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi đó giá bán sản phẩm ở mức thấp, đã ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động tái đàn vật nuôi. Theo Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, tình hình đàn vật nuôi của huyện duy trì ổn định, trong đó đàn gia cầm là 804 nghìn con, đạt 89% kế hoạch năm. Công tác tiêm phòng được đẩy mạnh, đến nay tỷ lệ tiêm phòng đàn gia cầm đảm bảo đúng quy định, dịch bệnh được khống chế và kiểm soát. Theo ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT, trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng, quản lý, giám sát hoạt động chăn nuôi nhằm kéo giảm những nguy cơ, rủi ro từ dịch bệnh, nhất là trước khi mùa mưa đến.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho hay, để chủ động phòng chống dịch, duy trì sự ổn định của đàn gia cầm, ngành chức năng chủ động thực hiện các giải pháp trong phòng ngừa, giám sát và tiêm phòng. Ngoài ra, Chi cục phối hợp với các địa phương tập trung vào tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, người mua bán, giết mổ động vật và người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, sản phẩm gia cầm được giết mổ tập trung nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; ngăn ngừa mầm bệnh lây lan trong hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm nhỏ, lẻ.
Thu Dịu
Nguồn: Báo Bình Định