Biện pháp phòng và trị bệnh TGE trên heo

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Xin tư vấn biện pháp phòng và trị bệnh TGE trên heo?

(Câu hỏi của Nguyễn Văn Nam, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định)

Trả lời:

Bệnh TGE hay còn gọi là bệnh viêm dạ dày ruột truyền nhiễm đường tiêu hóa lây lan nhanh ở loài heo, do một loại virus gây ra. Đặc trưng của bệnh là con vật nôn mửa, tiêu chảy nặng, tỷ lệ chết cao. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông.

Sau khi virus TGE xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa sẽ làm teo các lông nhung, làm giảm đáng kể hoạt tính của các men tiêu hóa ở ruột non, phá hủy sự tiêu hóa và vận chuyển dinh dưỡng, chất điện giải của tế bào, tạo ra hội chứng rối loạn hấp thu cấp tính, dẫn đến hiện tượng tiêu chảy và mất nước. Heo thường bị chết do mất chất điện giải và trúng độc axit.

Triệu chứng

Triệu chứng đặc trưng thường là nôn mửa, ỉa chảy phân nhiều nước, lúc đầu tiêu chảy ít nhưng toàn là nước, lúc tiêu chảy nhiều thì phân có màu vàng xám trông giống như bùn trên sàn chuồng, phân thường có sữa chưa tiêu, heo sụt cân nhanh chóng, mất nước, mắt trũng sâu và lông xù. Tỷ lệ ốm và chết rất cao ở heo dưới 2 tuần tuổi, heo dưới 7 ngày tuổi, tỷ lệ chết có thể đến 100%.

Do mất nước nên heo cố gắng uống nước ở bất cứ chỗ nào có nước hoặc cố gắng bú mẹ mặc dù rất yếu và kêu ré lên một cách yếu ớt khi bị bắt.

Heo thường chết sau khi mắc bệnh từ 2 – 5 ngày.

Heo trưởng thành mắc bệnh thường có triệu chứng thông thường như bỏ ăn, mệt mỏi, tiêu chảy phân màu xanh xám từ một ngày đến vài ngày. Heo nái thì có thêm triệu chứng lượng sữa giảm hoặc ngừng tiết sữa.

Cần phân biệt bệnh TGE với các bệnh do RotaVirus, do vi khuẩn Clostridium, E.coli, Cầu trùng, Phó thương hàn do có chung nhiều triệu chứng. Cần căn cứ vào tuổi của heo để chẩn đoán hoặc lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh.

tiêm vaccine cho heo

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh TGE. Ảnh: pigadvocates

Bệnh tích

Dạ dày bị căng phồng, chứa các cục sữa vón, có thể có đám xuất huyết ở bờ cong lớn. Ruột non căng, chứa nhiều dịch nhiều bọt màu vàng, có nhiều hạt sữa không tiêu bị vón lại. Thành ruột thường mỏng và trong suốt, có thể do lông nhung bị teo.

Phòng bệnh

Quản lý đàn

Chỉ nhập heo với lý lịch rõ ràng, đã qua kiểm dịch và kiểm tra huyết thanh âm tính với bệnh TGE.

Mật độ nuôi hợp lý để giảm áp lực mầm bệnh.

Bệnh thường xảy ra vào mùa đông nên cần giữ nhiệt độ chuồng nuôi đủ ấm cho heo, đặc biệt là heo con sơ sinh.

Không mang thịt heo sống hoặc sản phẩm của heo sống vào trang trại.

Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn heo để có biện pháp xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Thực hiện nghiêm ngặt chương trình chăn nuôi “cùng vào, cùng ra”.

Vệ sinh, sát trùng

Xây dựng hàng rào ngăn chặn chó, mèo, chuột, động vật trung gian truyền bệnh khác vào khu vực chăn nuôi.

Quản lý tốt người lạ vào khu vực chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo, giầy dép người chăn nuôi vì đây cũng được coi là nhân tố trung gian truyền bệnh.

Giữ gìn, vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi.

Thường xuyên khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi bằng hóa chất khử trùng, tiêu độc như vôi bột, Omnicide more, Han-iodine, Benkocid,…

Thu gom và xử lý triệt để rác thải chăn nuôi như phân, chất độn chuồng, vỏ bao đựng thức ăn, xác heo bệnh.

Tiêm phòng vaccine

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh TGE. Hiện nay có nhiều loại vaccine được dùng cho heo mẹ và heo con để phòng bệnh TGE như Farrowsure-PRV, PR-Vac MLV, PR-Vac Killed, Auskipra-BK, Auskipra – GN,…

Chăm sóc, nuôi dưỡng

Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng heo bằng cách bổ sung cho heo một số vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng của heo.

Điều trị

Hiện nay không có chế phẩm đặc hiệu để điều trị TGE.

Khi bệnh xảy ra cần tăng sức đề kháng của heo và điều trị triệu chứng nhằm giảm sự mất nước và trúng độc acid và giảm tỷ lệ chết bằng cách:

Cách ly đàn heo ốm và tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng như bổ sung vitamin và chất điện giải.

Giữ ấm cho heo con theo mẹ bằng cách cung cấp thêm đèn sưởi ấm và chất lót chuồng.

Tăng cường khử trùng, tiêu độc chuồng trại bằng các hóa chất sát trùng.

Sử dụng kháng sinh để tiêm, trộn thức ăn hoặc nước uống để giảm nhiễm trùng kế phát cho heo.

Có thể lấy phân tiêu chảy của heo con hoặc ruột non của heo mắc bệnh để nghiền sau đó xử lý kháng sinh để tiêu diệt tạp khuẩn rồi cho heo nái ăn để tạo miễn dịch cho đàn heo nái.

Vũ Phúc Trường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *