(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Xin tư vấn về nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng, trị hội chứng giảm đẻ trên gà?
(Câu hỏi của Văn Bình, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang)
Trả lời:
Hội chứng giảm đẻ (EDS) do một loại virus thuộc nhóm Adenovirus gây bệnh ở gà.
Đường truyền lây
Virus có thể truyền dọc qua trứng. Dụng cụ đựng trứng, phương tiện vận chuyển, thức ăn, nước uống, dụng cụ thú y, chất độn chuồng.
Triệu chứng
Thời gian nung bệnh thường từ 7 đến 9 ngày.
Đầu tiên vỏ trứng bị mất màu. Sau đó trứng đẻ ra có vỏ mỏng, vỏ mềm hoặc không có vỏ cứng. Bề mặt những trứng có vỏ mỏng thường xù xì, nhám, có nhiều hạt lắng đọng trên bề mặt vỏ.
Sản lượng trứng có thể giảm rất nhanh hoặc giảm dần trong một vài tuần. Sản lượng trứng giảm khoảng 40%, có thể lên đến 50%. Lòng trắng trứng loãng, kích thước quả trứng bé lại.
Gia cầm bệnh vẫn khỏe mạnh, một số đàn có biểu hiện chậm chạp, kém ăn, tiêu chảy trong một thời gian ngắn.
Bệnh tích
Bệnh tích thường biểu hiện ở buồng trứng và ống dẫn trứng, các bệnh tích khác thường không rõ ràng.
Phòng bệnh
Con giống: Chọn gà giống từ những cơ sở giống chất lượng, không bị nhiễm virus, gà con phải được chọn từ những đàn gà được tiêm phòng cẩn thận.
Vệ sinh phòng bệnh: Đảm bảo vệ sinh phòng bệnh trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển trứng, quá trình tiêm phòng. Khu nuôi gà phải xa khu nuôi vịt, ngỗng vì virus có nguồn gốc từ vịt và ngỗng.
Quản lý đàn: Nếu đàn gà bệnh và gà không bị bệnh được nuôi chung, cần tiến hành tách riêng rẽ trong quá trình chăn nuôi, ấp nở. Nếu có điều kiện sử dụng các máy ấp riêng rẽ, hoặc nếu không phải sử dụng các khay ấp nở riêng.
Vắc xin: Hiện có nhiều loại vắc xin trên thị trường được sử dụng để phòng hội chứng giảm đẻ như: Nobilis G+ND+EDS, Nobilis IB+ND+EDS, Medivac ND – EDS Emulsion, Medivac ND – EDS – IB K, Cevac ND – IB – IBD – EDS,…
Điều trị
Không có thuốc điều trị đặc hiệu. Có thể bổ sung vitamin, tăng hàm lượng canxi và protein trong khẩu phần cho gà đẻ, gà giống để tăng năng suất đẻ và tăng chất lượng trứng.
Vũ Phúc Trường