Biện pháp điều trị bệnh phó thương hàn ở vịt

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Vịt có dấu hiệu ủ rũ, mắt bị nhem, xệ cánh, ít vận động. Tiêu chảy phân loãng xanh lá cây, lẫn bọt khí. Một số con bị bại chân, viêm phổi thở khò khè. Hỏi đây là bệnh gì và biện pháp điều trị ra sao?

(Câu hỏi của Trần Doãn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình)

Trả lời:

Theo mô tả có thể vịt đã bị bệnh phó thương hàn. Ðây là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Sallmonella gây ra. Vi khuẩn dễ bị tiêu diệt bằng các hóa chất sát trùng và nhiệt độ trên 80°C. Để điều trị bệnh, sử dụng một trong các loại kháng sinh có chứa neomycin, colistin, flumequine… và bổ sung đồng thời vitamin, electrolyte, men tiêu hóa. Trộn cho vịt ăn hoặc uống từ 3 – 5 ngày liên tục sau khi mua về và lặp lại sau 7 ngày. Sử dụng thuốc cần tuân thủ theo thời gian và khối lượng vịt theo đúng quy định.

Để phòng bệnh, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Khi mua vịt giống về nuôi, chỉ nên mua vịt từ những cơ sở giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng, và chỉ chọn vịt khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Cần phải hỏi rõ để biết vịt giống đã được tiêm phòng chưa và tiêm những bệnh gì.

Nên nhốt riêng vịt mới mua về (cách xa đàn vịt nhà đang nuôi) và cho uống thuốc bổ trong vòng 10 – 15 ngày (bằng cách dùng nước sạch hòa với B complex, mỗi ngày cho uống 2 lần, sáng tối), khi thấy khỏe mạnh mới thả vào cùng đàn vịt nhà.

Trong chuồng nuôi chỉ nên có 1 loại vịt, ngan và nếu có 2 đàn thì chỉ nên cách nhau không quá 7 ngày tuổi.

Chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phải được rửa để khô ráo, xung quanh chuồng nuôi phải vệ sinh công nghiệp sau đó tiến hành vệ sinh tiêu độc định kỳ bằng một số thuốc sát trùng. Sau mỗi đợt nuôi, cần tổng vệ sinh sát trùng và để trống chuồng 7 – 15 ngày mới nuôi lứa khác để cắt đứt các loại mầm bệnh.

Máng ăn, máng uống, lò sưởi, cót quây vịt, ngan… phải được rửa sạch sau đó sát trùng trước khi nhập vịt, ngan về.

Trong quá trình nuôi, cần thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, bảo quản thu nhặt trứng và môi trường xung quanh. Ðịnh kỳ và thường xuyên bằng các loại hóa chất thông dụng như: Benkocid, Han – Iodine, Virkon… Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho vịt, ngan như: cúm gia cầm, dịch tả ngan, vịt…

Nên hạn chế người ra vào nơi nuôi vịt. Nếu có dịch bệnh xảy ra ở địa phương xung quanh thì không cho người ngoài đến. Người nuôi không được đến nơi xảy ra dịch. Cần có biện pháp ngăn ngừa không cho vịt tiếp xúc với các động vật khác như chim hoang, heo, chuột…

Thường xuyên loại thải vịt gầy yếu ra khỏi đàn để tránh lây lan bệnh.

hỏi đáp chăn nuôi

Ban KHKT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *