(Người Chăn Nuôi) – Bệnh đậu ở dê, cừu là một bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh với các mụn đậu xuất hiện nhiều trên da mặt và niêm mạc miệng, mũi. Dê, cừu non bị bệnh nặng và chết với tỷ lệ cao (30 – 40%).
Nguyên nhân
Bệnh do Capripoxvirus gây ra. Virus bệnh đậu dê có thể tồn tại nhiều tháng trong môi trường và có sức đề kháng cao với các loại hóa chất thông thường.
Virus truyền lây trực tiếp qua đường hô hấp, hoặc do tiếp xúc qua những chỗ da bị tổn thương, trầy xước. Cũng có thể lây truyền qua côn trùng, đặc biệt là ruồi. Sự phát tán virus và mức độ trầm trọng của bệnh tùy thuộc vào chủng virus.
Thời gian bài thải virus có thể kéo dài 1 – 2 tháng. Virus có thể tồn tại đến 6 tháng trên nền chuồng và ít nhất 3 tháng trong vảy mụn khô và da (vùng da của nốt đậu chứa rất nhiều virus). Chưa có báo cáo về hiện tượng mang trùng ở dê mắc bệnh.
Phát hiện sớm dê, cừu bệnh để cách ly và điều trị – Ảnh: MF
Triệu chứng
Dê, cừu mắc bệnh có triệu chứng sốt cao 40 – 410C, kéo dài trong 3 – 5 ngày, chảy nước mắt và dịch mũi, kém ăn, nằm một chỗ, trên da mặt xuất hiện các mụn nhỏ như hạt đỗ, hạt ngô, lúc đầu nhỏ, sau mọng trắng vỡ loét ra, chảy dịch, đóng vảy nâu đen, vảy bong ra để lại vết sẹo đỏ. Các mụn đậu lại mọc lên đám da khác.
Biến chứng thường gặp như: các mụn đậu mọc ở kết mạc mắt khi vỡ ra có thể làm cho dê, cừu bị mù, mụn đậu mọc ở niêm mạc, mũi và khí quản, gây viêm màng giả, có thể làm cho dê, cừu thở khó, suy hô hấp, mụn đậu mọc ở quanh núm vú, gây lở loét quanh núm vú.
Nếu có nhiễm trùng thứ phát do các loại tạp khuẩn thì các mụn loét mưng mủ, vỡ loét lâu thành vết thương.
Dê, cừu mang thai thường sảy thai khi bị bệnh đậu. Một số dê, cừu non mắc bệnh còn có hiện tượng ỉa chảy nặng, chết nhanh.
Bệnh tích
Có mụn đậu ở ngoài da và trong niêm mạc mũi, miệng và núm vú ở dê, cừu cái. Bệnh tích bắt đầu từ các nốt đỏ ở da và tiến triển nhanh thành một đốm tròn, nhô lên với các bờ viền xung huyết, thường xảy ra sau 5 – 6 ngày.
Mổ khám thì thấy các nốt đậu ở niêm mạc của xoang mũi, xoang miệng, lưỡi, yết hầu, thanh quản, khí quản, dạ cỏ, dạ múi khế, ruột già, vùng vỏ gan, thận và dịch hoàn. Bệnh tích thường gặp ở phổi là các nốt đậu nhỏ màu xám nhạt lan tràn, đây là một trong những nguyên nhân chính làm dê bị chết vì suy hô hấp.
Chẩn đoán
Chẩn đoán lâm sàng: Dựa vào các triệu chứng điển hình như các mụn đậu trên da mặt, quanh miệng, mắt, vùng vú hoặc niêm mạc miệng, mũi và khí quản. Lưu ý, phân biệt với bệnh viêm loét miệng truyền nhiễm.
Chẩn đoán phòng thí nghiệm
Phân lập virus: Nuôi cấy trên môi trường tế bào thận dê, dịch hoàn dê để xác định virus đậu.Dùng các phản ứng huyết thanh: Phản ứng kháng thể huỳnh quang gián tiếp, phản ứng miễn dịch khuếch tán trên thạch.
Kỹ thuật PCR: Kỹ thuật PCR có độ nhạy cao, cho phép xác định chính xác virus đậu dê trong khi các phương pháp trên có thể xảy ra phản ứng chéo với một số virus khác.
Phòng, trị bệnh
Phát hiện sớm dê, cừu bệnh để cách ly và điều trị.
Không có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh đậu dê. Khi dê, cừu bị bệnh sử dụng các dung dịch sát trùng như Blue Methylen 1% hoặc dung dịch Iodine 1% bôi lên các mụn đậu. Các dung dịch này đều diệt được siêu vi trùng và vi khuẩn ở mụn đậu, làm cho mụn đậu đóng vảy nhanh, bong ra và thành sẹo nhanh. Khi có hiện tượng viêm nhiễm do vi khuẩn ở mũi, miệng và viêm khí quản thì điều trị bằng kháng sinh Kamamycin, dùng liều 20 mg/kg thể trọng, dùng thuốc liên tục 5 – 6 ngày, kết hợp với sử dụng các loại thuốc trợ sức: Vitamin B1, Vitamin C và cafein. Trong thời gian điều trị giữ chuồng khô, sạch sẽ, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng để dê nhanh bình phục.
Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine cho dê, cừu. Giữ chuồng trại luôn khô, sạch, kín ấm và mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Thường xuyên sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi,