(Người Chăn Nuôi) – Bệnh xảy ra phổ biến ở các loài nhai lại trong đó có hươu. Do đó, cần có chế độ ăn hợp lý và biện pháp phòng, xử lý bệnh kịp thời khi con vật mắc phải.
Nguyên nhân
Đây là bệnh phổ biến nhất ở các loại nhai lại có dạ dày bốn túi, do gia súc ăn nhiều thức ăn dễ lên men, sinh ra nhiều hơi tích trong dạ cỏ, làm cho thể tích dạ cỏ tăng lên quá mức bình thường chèn ép các khí quan trong xoang bụng, làm giảm khả năng giải độc của gan. Đồng thời làm giảm thể tích xoang ngực, cản trở hoạt động của tim, phổi làm cho con vật khó thở và thường bị chết nhanh do ngạt thở. Một số nguyên nhân là do:
• Cho ăn quá nhiều thức ăn tinh trong thời gian ngắn, nhất là cho ăn vào buổi sáng lúc hươu đang đói.
• Cho ăn thức ăn (thô, tinh) kém phẩm chất như: cỏ, lá cây bị ngâm nước lâu ngày hoặc bị ướt nước, bị dầm sương, bị mốc, lên men…
• Thay đổi thức ăn một cách đột ngột: Từ tươi sang khô hoặc ngược lại, từ loại này sang loại khác, cho ăn nhiều một lúc.
• Do thức ăn có chứa chất độc hoặc nhiễm chất độc hóa chất.
• Do ảnh hưởng của thời tiết, của sự thay đổi thời tiết một cách đột ngột: đang nắng chuyển sang mưa, đang nắng nóng chuyển sang lạnh.
• Ở những con non, một phần là do khả năng tiêu hóa chưa đáp ứng được các loại thức ăn mà chúng đang ăn.
• Do kế phát từ một số bệnh truyền nhiễm như: cúm, tụ huyết trùng… hoặc một số bệnh nội khoa như: bệnh liệt dạ cỏ…
Triệu chứng
Bệnh xuất hiện nhanh (sau khi ăn 30 phút – 1 giờ), khi bệnh mới phát con vật thường có các biểu hiện:
– Bụng bị chướng to, ngang với xương hông bên trái do thức ăn không tiêu hóa được lên men, sinh hơi, gõ bên trái hông nghe như gõ trống, dạ cỏ mất phản xạ, nhu động dạ cỏ mất hẳn.
– Bỏ ăn, không nhai lại, ủ rũ chậm chạp, ít nằm bụng căng to… đây là các triệu chứng giúp chúng ta phát hiện bệnh sớm.
– Mắt có khi đỏ, nước bọt chảy ra hai bên mép.
– Khó thở do dạ cỏ chèn lên cơ hoành, chèn ép phổi.
– Trường hợp bệnh nặng con vật đi đứng loạng choạng.
– Bí ỉa, hoặc bị ỉa chảy.
– Con vật có thể bị hôn mê rồi chết nhanh do bị ngạt và trúng độc. Lỗ mũi, hậu môn có khi có máu tươi, có hiện tượng lòi dom.
Do bệnh tiến triển rất nhanh, nên nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời con vật sẽ chết do rối loạn hô hấp và tuần hoàn: ngạt thở, trúng độc toan và xuất huyết não.
Điều trị
Bệnh có thể chữa được nếu như phát hiện kịp thời. Trường hợp để quá thì con vật chết rất nhanh. Nguyên tắc điều trị: Để điều trị bệnh có hiệu quả cần tìm mọi cách để tháo hơi ra khỏi dạ cỏ, tẩy trừ thức ăn ra khỏi dạ cỏ, ức chế sự lên men sinh hơi thức ăn trong dạ cỏ, tìm mọi cách phục hồi và tăng cường nhu động dạ cỏ, tăng cường trợ sức, trợ lực cho con vật.
Hộ lý – Chăm sóc: Để gia súc đứng tư thế cao đầu, mông thấp. Tăng cường sự thoát hơi ra khỏi dạ cỏ: Dùng tay kéo lưỡi bệnh súc theo nhịp thở; Moi phân hết phân ở trực tràng ra; Dùng cỏ khô, rơm chà sát vào vùng dạ cỏ ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 10 – 15 phút.
Các bước tiến hành:
– Tăng nhu động dạ cỏ: Khi phát hiện bệnh, cần kịp thời xoa bóp hai bên bụng bằng hỗn hợp các chất nóng như, gừng, tỏi giã nhỏ trộn vào rượu tất cả bỏ vào bọc vải xát mạnh vào hai bên bụng, nhất là vùng hông trái, vùng dạ cỏ.
– Ức chế lên men: Cho uống 20 – 25 ml dầu ăn hoặc nước sắc lá bạc hà (1 nắm), hạt thì 20 gam với khoảng 105 ml nước, hoặc cho uống khế chua, hoặc 1 – 2 củ tỏi giã nhỏ cho vào 100 – 150 ml rượu và cho uống.
– Cho uống MgSO4 hoặc Na2SO4 làm mềm phân để tẩy tống phân ra ngoài.
– Để phục hồi và tăng cường nhu động dạ cỏ, chúng ta có thể dùng một trong các loại thuốc sau: Tiêm bắp Pillcarpin 0,009:3 ml/ngày sau khi đã tháo hơi ra ngoài. Tiêm trợ lực bằng glucoza 30% (nếu có điều kiện khoảng 300 – 500 ml, tiêm Strychicnin: ngày 1 ống nhưng phải thận trọng khi sử dụng, đề phòng vỡ dạ cỏ). Chú ý: Không dùng Schychnin và Pilocarpin cho gia súc đang mang thai vì dễ gây sảy thai.
– Trường hợp quá nặng thì phải chọc cho hơi xì ra bằng Troca. Nếu không dùng kim dài có đường kính 1,5 – 2 mm, thường dùng kim số 14 chọc vào hông trái.
– Cho con vật nhịn ăn 2 – 3 ngày, những ngày tiếp theo thì cho ăn ít và các loại thức ăn dễ tiêu.
Phòng bệnh
Thực hiện các nguyên tắc phòng bệnh đảm bảo an toàn cho hươu về dinh dưỡng như:
– Không cho hươu ăn các thức ăn kém phẩm chất kể cả thức ăn tinh và thức ăn thô.
– Không cho ăn quá nhiều thức ăn tinh so với thức ăn thô, không cho ăn thức ăn tinh nhiều vào lúc đang đói.
– Không cho ăn quá no và thay đổi một cách đột ngột khẩu phần ăn
– Khi thay đổi thức ăn cần phải cho ăn từ từ làm quen và quan sát phân để điều chỉnh cho phù hợp.