Bệnh âm đạo lộn bít tất ở trâu bò

(Người Chăn Nuôi) – Hiện tượng lộn bít tất thường xảy ra ở những trâu bò cái già, đẻ nhiều lứa, chăm sóc nuôi dưỡng kém, những trường hợp khó đẻ… Khi gặp bệnh này cần xử lý sớm. Nếu để lâu hiệu quả điều trị càng thấp do tử cung bị khô, xung huyết, tổn thương và dễ nhiễm trùng, thậm chí sau đó có thể phải cắt bỏ tử cung hoặc gia súc bị chết.

Bệnh lộn bít tết có thể khiến gia súc bị chết Ảnh: ST

Triệu chứng

Bệnh có thể chia ra 2 loại sau:

+ Thể không hoàn toàn: Khi mới xuất hiện, bộ phận âm đạo lộn ra ngoài có màu đỏ to bằng nắm tay hoặc lớn hơn một ít và chỉ nhìn thấy khi gia súc nằm, khi gia súc đứng dậy thì bộ phận đó lại tụt vào trong xoang chậu. Nếu bệnh tiếp tục phát triển thì bộ phận âm đạo lộn ra ngoài ngày càng to lên không thụt vào được khi con vật đứng dậy.

+ Thể hoàn toàn: Toàn bộ âm đạo bị lộn trái và bị đẩy ra khỏi mép âm, to bằng quả bóng. Con vật thích nằm hơn đứng, luôn ở tình trạng đau đớn, khó chịu, co bóp và rặn, đôi khi cong đuôi cong lưng mà rặn. Bộ phận âm đạo lộn ra ngoài thường dính các chất bẩn như đất, cát, rơm, rạ, nước giải, phân… niêm mạc bị xây xát, bị rách, bị thủng, xuất huyết, âm đạo bị nhiễm khuẩn, bị viêm, thể tích âm đạo ngày càng to dần lên. Trường hợp bệnh xảy ra thời gian lâu, mức độ tổn thương nặng thì dễ gây ra hiện tượng huyết nhiễm trùng, huyết nhiễm mủ. Mặt khác, bệnh có thể gây ra hiện tượng sẩy thai hay đẻ non.

Nguyên nhân

+ Do tế bào tổ chức âm đạo bị thấm dịch và bị căng ra, sức đàn hồi của tổ chức âm đạo bị giảm sút, tổ chức dây chằng âm đạo bị căng quá mức.

+ Do niêm mạc âm đạo, cổ tử cung bị tổn thương. Ngoài ra có thể do cơ thể mẹ thiếu vitamin nhóm B từ đó gây ra tình trạng các tế bào sinh dục chứa thừa lượng nước hoặc có thể kế phát từ bệnh viêm trực tràng, táo bón…

+ Do thức ăn không đầy đủ. Khẩu phần ăn không thích hợp, con vật đã già yếu cũng như những yếu tố khác làm sức khỏe nói chung của vật nuôi mẹ bị giảm sút.

+ Gia súc mẹ bị nuôi nhốt lâu trong chuồng mà nền chuồng quá dốc về phía đuôi hoặc có thể do con vật luôn luôn phải leo dốc trong thời gian có thai nên tử cung và thai ép mạnh lên âm đạo.

+ Do bào thai quá to hoặc đa thai, áp lực xoang bụng và xoang chậu quá cao, nhất là khi con vật nằm trên nền chuồng quá dốc về phía đuôi.

+ Do bò đã đẻ nhiều lứa, các tổ chức dây chằng và cơ âm đạo bị nhão nên chức năng giữ âm đạo ở vị trí bình thường bị giảm sút.

 + Do kế phát từ một số bệnh nội khoa như: viêm dạ dày và ruột cấp tính, táo bón, ỉa chảy, chướng bụng đầy hơi, bội thực… hoặc do trong quá trình điều trị bệnh dùng thuốc kích thích không đúng liều lượng làm cho con vật rặn mạnh, cơ quan sinh dục co bóp tạo điều kiện cho âm đạo dễ dàng lộn ra ngoài.

– Điều trị: Nguyên lý điều trị bệnh âm đạo lộn ra ngoài là nhanh chóng đưa bộ phận âm đạo bị bộc lộ ra ngoài về vị trí cũ sau khi đã vô trùng, để phòng hiện tượng tái phát và nhiễm trùng cho tử cung và cơ thể nói chung.

 – Hộ lý:

Giữ cho vật trong tình trạng yên tĩnh tuyệt đối không vận động. Để con vật luôn ở trong giá cố định với tư thế đầu thấp, đuôi cao, buộc đuôi sang một bên để tránh hiện tượng làm xây xát và kích thích niêm mạc.

Vô trùng niêm mạc âm đạo và đưa âm đạo về vị trí cũ. Rửa âm đạo bằng các dung dịch sát trùng ở nồng độ thích hợp: thuốc tím 0,1%, Rivanol 0,1%, axit boric 3%, phèn chua 2%, nước muối 5% hoặc các loại nước sắc của các lá chát như: búp sim, búp ổi, nước chè đặc… Sau khi đã rửa sạch thấm khô thì dùng glyxerin iôt 2 – 3% hoặc các loại thuốc kháng sinh mỡ như Tetracyclin, mỡ Penicillin… lên khắp niêm mạc bị xây xát. Sau đó tiến hành thủ thuật đưa âm đạo về vị trí cũ. Để tránh hiện tượng làm xây xát niêm mạc và gây nhiễm trùng âm đạo, người tiến hành thủ thuật phải cắt ngắn móng tay và phải vô trùng tay cẩn thận. Khi đưa âm đạo về vị trí cũ cần phải tiến hành từ từ, dần dần và chỉ đưa vào khi gia súc ngừng rặn. Sau khi đưa âm đạo về vị trí cũ cần đề phòng hiện tượng tái phát bằng các biện pháp sau: 

+ Hạn chế hiện tượng rặn bằng cách phong bế lõm khum đuôi bằng Novocain hoặc có thể cho uống rượu trắng 500 ml. Dùng 100 ml cồn 700  tiêm từng mũi một xung quanh mép âm môn. Phương pháp cố định đề phòng hiện tượng tái phát tốt nhất là dùng chỉ mềm bản to khâu 2/3 phía trên mép âm môn.

+ Để tránh hiện tượng nhiễm trùng cho cơ thể dùng các loại kháng sinh tiêm vào bắp thịt. Ngoài ra chú ý trợ sức, trợ lực cho con vật. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *