Ngày 12-3-2019, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 315588 cho nhãn hiệu “Heo Mỏ Cày Nam” (có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn ngày 13-2-2018). Nhãn hiệu sẽ góp phần gìn giữ và phát huy công việc chăn nuôi truyền thống cũng như khẳng định được giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ở địa phương, tăng khả năng cạnh tranh và thu hút của con heo Mỏ Cày Nam trên thị trường tiêu thụ.
Hiện tại, hộ ông Huỳnh Tấn Khuyên (Hai Lượm), 48 tuổi, ngụ Tổ nhân dân tự quản (NDTQ) số 1A, ấp An Hóa, xã Bình Khánh đang nuôi 5 con heo nái cùng hơn 50 con heo con thịt. Mỗi năm, trung bình 1 con heo nái sẽ sinh sản hơn 2 lứa và từ 10 – 15 heo con/lứa. Hộ ông Hai Lượm sẽ xuất chuồng trung bình 10 con heo thịt/tháng. Nếu giá heo hơi từ 55 ngàn đồng/kg trở lên và “bỏ công làm lời” thì gia đình ông Hai Lượm có lợi nhuận hơn 5 triệu đồng/tháng từ công việc chăn nuôi heo.
Bà Nguyễn Thị Phượng (vợ ông Nguyễn Văn Thanh) cung cấp thức ăn công nghiệp cho đàn heo.
Hơn 20 năm, ông Hai Lượm gắn bó công việc chăn nuôi heo, từng thất bại xen lẫn thành công. Công việc chăn nuôi đã gắn chặt ở nông thôn nên gia đình ông luôn bám trụ cùng sự kỳ vọng có thị trường tiêu thụ ổn định và lợi nhuận cao. Theo ông Hai Lượm, giá heo hơi 50 ngàn đồng/kg trở xuống thì người chăn nuôi lỗ hoặc hòa vốn. Sau khi sinh và chăn nuôi tầm 7 tháng, heo có thể xuất chuồng và trọng lượng từ 100 kg/con trở lên. Để xuất chuồng 1 con heo thịt, người nuôi phải đầu tư khoảng 5 triệu đồng chi phí như: con giống, thức ăn, điện, nước…
Ông Hai Lượm cho biết, sau 1 tháng sinh ra và dứt sữa mẹ đến lúc heo có trọng lượng từ 20 – 25 kg, ông sẽ cung cấp 1 bao thức ăn công nghiệp dành cho heo con (gần 500 ngàn đồng/bao 25 kg). Tiếp theo, ông sẽ chuyển sang cung cấp 10 bao thức ăn công nghiệp dành cho heo thịt (từ 330 – 350 ngàn đồng/bao) và có thể xuất chuồng.
Năm 2013, ông Hai Lượm đầu tư kinh phí hơn 15 triệu đồng để xây dựng hầm biogas (thể tích chứa là 15m3) nằm cặp sông Cái Quao, nhằm chứa chất thải chăn nuôi cũng như tạo gas cung cấp trong sinh hoạt cho gia đình an toàn và hiệu quả. Năm 2023, heo hơi duy trì bình ổn giá từ 45 – 47 ngàn đồng/kg và hộ ông Hai Lượm đã lỗ hơn 100 triệu đồng về chi phí đầu tư chăn nuôi. Nay thì giá heo hơi tăng lên và gia đình ông đang tập trung chăn nuôi để bù đắp lại những phần lỗ trước đó.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam, nuôi heo với số lượng lớn cùng quy mô trang trại thì nhiều; chứ người dân đơn thuần (nhỏ và lẻ) ít có thể bám trụ việc chăn nuôi heo. Từ đó, giá heo hơi trên thị trường tiêu thụ phải phụ thuộc vào trang trại quy định.
Đến nay, ông Nguyễn Văn Thanh (Tư Thanh), 48 tuổi, ngụ Tổ NDTQ số 9, ấp Thới Hòa, xã Thành Thới A đã gắn bó cùng công việc chăn nuôi heo được 25 năm. Hiện tại, ông Tư Thanh đang nuôi 15 con heo nái và 150 con heo thịt. Trung bình mỗi tháng, ông Tư Thanh xuất chuồng khoảng 20 con heo thịt và lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/tháng. Heo nái sẽ sinh sản trong 2 năm được 5 lứa và mỗi con heo nái sinh sản từ 9 – 18 heo con.
Theo ông Tư Thanh, heo con nuôi được 5 tháng sẽ có trọng lượng khoảng 100 kg và có thể xuất chuồng. Ông cung cấp thức ăn công nghiệp cho heo 2 lần/ngày, 1,5 kg/con/lần. Thời tiết nắng nóng, ông tắm heo 3 lần/ngày; trời mát mẻ thì tắm 2 lần/ngày. Năm 2009, ông đầu tư kinh phí 35 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng không hoàn trả và gia đình 32 triệu đồng) để xây dựng hầm biogas (thể tích chứa 30 m3). Hiện nay, ông tận dụng nguồn gas trong hầm chứa để sử dụng trong việc nấu nướng cho gia đình.
Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam Dương Thị Mỹ Trang cho biết: Huyện đang triển khai tuyên truyền cho người dân biết và đăng ký sử dụng nhãn hiệu “Heo Mỏ Cày Nam”. Đồng thời, hướng dẫn trình tự và thủ tục cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Heo Mỏ Cày Nam” cho các tổ chức hay cá nhân có nhu cầu. Triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy sự phát triển nhãn hiệu này để góp phần ổn định đầu ra và phát huy giá trị cho sản phẩm cũng như gia tăng uy tín cùng giá trị thương hiệu, nâng cao đời sống kinh tế cho người chăn nuôi ở địa phương.
Bài, ảnh: Lê Đệ
Nguồn: Báo Đồng Khởi