Bến Tre: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh tế trang trại

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện toàn tỉnh có 58 trang trại, trong đó có 1 trang trại trồng trọt, 10 trang trại chăn nuôi, 47 trang trại nuôi trồng thủy sản, 1 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Tổng diện tích các trang trại là 286 ha, giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất, kinh doanh 4,787 tỷ đồng; tổng số lao động thường xuyên của các trang trại là 267 người; số trang trại có báo cáo về giá trị sản xuất là 49; tổng giá trị sản xuất của các trang trại 319 tỷ đồng.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức cho biết: Thời gian qua, thực hiện Thông tư số 02/2020 ngày 28-2-2020 của Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT ban hành hướng dẫn về các quy định, thủ tục hồ sơ quản lý trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp gửi Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố phối hợp triển khai đến UBND các xã để phổ biến các tiêu chí trang trại cho cá nhân, chủ hộ gia đình, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, theo dõi, thống kê và báo cáo trang trại theo quy định để được hưởng các chính sách của Nhà nước áp dụng cho mô hình trang trại.

điện gió bến tre

Trang trại nuôi tôm của ông Lê Văn Sấm ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Ảnh: H.Trung

Phát triển kinh tế trang trại trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động sản xuất, kinh doanh của trang trại ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại chỗ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển trang trại theo hộ gia đình chủ yếu là chăn nuôi heo, gà, tôm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, các trang trại giảm số lượng chăn nuôi lớn không mở rộng quy mô sản xuất lên mô hình trang trại đạt hiệu quả của tỉnh.

Hoạt động của kinh tế trang trại còn tồn tại hạn chế nhất định. Quy mô sản xuất trang trại mang tính nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kết nối với thị trường, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp. Trình độ quản lý, sản xuất, kinh doanh của trang trại còn hạn chế; lực lượng lao động trong trang trại chưa được đào tạo nghề cơ bản. Các trang trại muốn đầu tư quy mô lớn nhưng thiếu đất rộng để đầu tư, trang trại gần nhà dân nên rất khó trong mở rộng trang trại, khó khăn về giao thông vào trang trại. Các trang trại chủ yếu sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư, mở rộng trang trại. Do dịch Covid-19, dịch bệnh tai xanh, dịch tả heo châu Phi, giá bán sản phẩm giảm sâu, khó tiêu thụ, giá vật tư đầu vào tăng cao làm ảnh hưởng đến lợi nhuận cho hộ chăn nuôi. Hộ dân không mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất để đạt tiêu chí trang trại. Chưa có chính sách hỗ trợ ưu đãi cho trang trại khi đạt tiêu chí, từ đó chưa khuyến khích được các chủ trang trại chủ động đăng ký kê khai với UBND xã.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh tế trang trại, Sở NN&PTNT triển khai Thông tư số 02/2020 của Bộ NN&PTNT đến người dân. Rà soát, hướng dẫn các hộ đủ điều kiện đăng ký công nhận kinh tế trang trại. Đồng thời, để phát triển trang trại trong thời gian tới, kiến nghị Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành chính sách cụ thể nhằm giúp loại hình kinh tế trang trại phát triển, ổn định và hiệu quả, phù hợp với chủ trương chung. Cụ thể, cần có sự điều chỉnh việc sử dụng đất đai trong các trang trại theo hướng tăng quy mô bằng cách khuyến khích tích tụ tập trung ruộng đất và liên kết trong sản xuất. Có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, nguồn vốn ưu đãi, linh hoạt về tín dụng để các trang trại khi có nhu cầu sẽ tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Hoàng Lam

Nguồn: Báo Đồng Khởi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *