Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh thời gian gần đây, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, dồn sức chăm sóc cho đàn vật nuôi để sẵn sàng cung ứng cho thị trường, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.
Cũng như hàng nghìn hộ chăn nuôi khác ở huyện Đại Từ, gia đình ông Đào Văn Doanh, ở xóm Cầu Tuất, xã Phúc Lương dành toàn bộ thời gian chăm sóc đàn gà lai Hồ 4.000 con, nuôi theo hình thức bán thả trên quy mô 4.500 m2. Theo ông Doanh, thời điểm cuối năm giá rét, gà dễ mắc bệnh phổi, hen suyễn, các bệnh về đường tiêu hóa dẫn đến bị chết hoặc còi cọc, chậm lớn. Bởi vậy, ngay từ khi tái đàn vào cuối tháng 9 Âm lịch, ngoài lựa chọn kỹ càng con giống, ông luôn chú trọng vệ sinh, khử trùng chuồng trại và tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho gà.
Để tăng sức đề kháng cho đàn gà trên 4.000 con, anh Nông Minh Vượng, ở xóm Đại Quyết, xã Tiên Hội thường xuyên bổ sung các loại vitamin, cung cấp đầy đủ thức ăn cho vật nuôi.
Ông Doanh cho hay: Toàn bộ vốn liếng của gia đình tôi đều dồn cả vào đàn gà, do vậy, tôi luôn theo dõi cẩn thận, chăm bẵm cho đàn gà mau lớn để kịp xuất bán đúng vào dịp Tết. Mặt khác, do thời tiết diễn biến thất thường, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, nếu không cẩn thận để gà nhiễm bệnh thì coi như trắng tay và mất luôn cả Tết. Do vậy, những ngày trời rét, tôi chú ý che chắn chuồng trại, thả bạt để tránh gió lùa, sương đêm bay vào chuồng, đệm lót được thay thường xuyên để giữ ấm và tránh ẩm ướt. Năm nay, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi có cao hơn mọi năm, nhưng bù lại giá bán cũng cao hơn và tương đối ổn định.
Cùng với chăn nuôi gà, các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Đại Từ cũng đang tập trung cao độ cho việc chăm sóc, vỗ béo, cũng như bảo vệ đàn lợn nghiêm ngặt. Thời điểm cận Tết, giá lợn thịt nhỉnh hơn, do vậy, đây là dịp để các hộ nuôi lợn “gỡ gạc” chi phí sau thời điểm giá lợn xuống thấp vài tháng trước. Để đáp ứng nhu cầu tái đàn liên tục của người dân, các trại lợn giống cũng đặc biệt quan tâm đến việc phòng dịch, chống rét cho vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Thắng, ở xóm 11, xã Phục Linh, cho biết: Gia đình tôi hiện có gần 500 con lợn các loại, trong đó trên 300 con là lợn sữa, còn lại là lợn nái và lợn đực. Trong toàn bộ chuồng trại hơn 2.000m2 khép kín, tôi đầu tư giàn mát, quạt hút gió, máng ăn tự động và thực hiện chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học nên đàn lợn luôn khỏe mạnh, nhanh lớn. Trung bình mỗi tháng, tôi xuất bán khoảng 200 con lợn sữa ra thị trường. Khoảng 2 tuần nay, nhiệt độ xuống thấp, do vậy, tôi đã bổ sung thêm bạt phủ vào lồng úm lợn, rải thảm cho lợn con nằm và tăng thêm bóng đèn sưởi ấm. Đặc biệt, tôi cũng tăng khẩu phần ăn, bổ sung thêm các loại vitamin, thuốc bổ nhằm tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Theo thống kê, huyện Đại Từ hiện có 7.400 con trâu, gần 1.400 con bò, trên 65.500 con lợn và gần 1,7 triệu con gà. Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Do vậy, việc chăm sóc, bảo vệ tốt đàn vật nuôi góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện nói chung và gia tăng thu nhập của chính người chăn nuôi nói riêng.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, nhìn chung, đối với các hộ chăn nuôi lớn theo hình thức trang trại, công tác phòng dịch và chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi được thực hiện khá tốt, bài bản. Đối với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, chăn nuôi hộ gia đình đôi khi vẫn còn tâm lý chủ quan. Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự tuyên truyền và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn từ huyện đến cơ sở, ý thức phòng dịch, kinh nghiệm chăm sóc đàn vật nuôi của các hộ đã nâng lên rõ rệt. Hầu hết các hộ đã xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn cẩn thận và chuẩn bị thức ăn dự trữ. Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch được lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ. Nhờ vậy, không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra, đàn vật nuôi của huyện phát triển ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng.
Thu Huyền