Hiện đang là thời điểm giao mùa, chênh lệch nhiệt độ trong ngày lớn và độ ẩm không khí rất cao. Đây là những điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát. Để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Gắn bó với nghề chăn nuôi suốt nhiều năm nay, ông Mông Đức Thu, ở xóm Lợi A, xã Phượng Tiến, luôn chú trọng chăm sóc sức khoẻ cho đàn vật nuôi. Hiện, gia trại của ông có 8 con bò và 500 con gà, còn thời điểm cao nhất nuôi tới 3.500 con gà. Chính vì vậy, ông Thu thường xuyên theo dõi thời tiết, nắm bắt thông tin để kịp thời có biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa.
Ông Thu chia sẻ: Thời tiết nồm ẩm dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tăng cao, nhất là đối với gia cầm. Kinh nghiệm của tôi là phải giữ cho nền chuồng nuôi khô ráo bằng cách thường xuyên thay chấu, che chắn kín chuồng trại và tiêm vắc-xin đầy đủ cho vật nuôi.
Ông Mông Đức Thu, xóm Lợi A, xã Phượng Tiến (Định Hóa) thường xuyên rắc vôi bột quanh chuồng trại để khử mùi tanh hôi, diệt các vi khuẩn có hại cho đàn vật nuôi.
Còn anh Chu Văn Thiện, ở xóm Tân Tiến 3, xã Tân Dương, đang mở rộng quy mô nuôi lợn lên tới hàng trăm con, nên cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Anh Thiện nói: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi khá gần các hộ khác, nên không tránh khỏi việc lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, vào mấy năm trước, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại rất lớn cho gia đình. Năm nay, khi mở rộng quy mô chăn nuôi, tôi chọn xây dựng chuồng trại tại khu vực biệt lập, nhằm tránh dịch bệnh phát sinh từ những chuồng trại xung quanh và tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn phòng, chống dịch của cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, tôi cũng lựa chọn thời điểm tái đàn phù hợp, làm sao để đến giữa tháng 3 và đầu tháng 4, đàn lợn đã cứng cáp, chống chọi tốt với các loại bệnh.
Toàn huyện Định Hoá hiện có khoảng 8.000 con trâu, bò; 40.000 con lợn; 760.000 con gia cầm. Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, để đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, cơ quan chuyên môn của huyện đã tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây, dịch bệnh trên địa bàn vẫn rải rác xuất hiện. Một số dịch bệnh nguy hiểm đã từng bùng phát trên địa bàn huyện ĐỊnh Hóa vào thời điểm giao mùa những năm trước đây như: viêm da nổi cục; lở mồm long móng, tả lợn… cũng gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều hộ chăn nuôi. Nguyên nhân là do nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thật sự quan tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Để khắc phục thực trạng này, năm 2023, kế hoạch tiêm phòng dịch bệnh trên đàn vật nuôi của huyện Định Hóa được chia làm 2 đợt, chỉ tiêu tiêm vắc-xin trên gia súc, gia cầm từ nguồn ngân sách tỉnh là 44.500 liều. Trong đó, lở mồm long móng 7.000 liều; dịch tả lợn 10.000 liều; tụ dấn lợn 7.000; cúm gia cầm 20.000 liều; lợn tai xanh 500 liều. Cùng với nguồn hỗ trợ từ tỉnh, địa phương vận động hầu hết các hộ chăn nuôi tự mua vắc-xin để tiêm phòng, đảm bảo công tác phòng dịch cho đàn vật nuôi.
Theo ông Triệu Xuân Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Định Hóa: Thời gian gần đây, dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản không bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi đang tích cực tái đàn, mở rộng quy mô. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi càng lớn, càng có nhiều rủi ro hơn nếu công tác phòng, chống dịch bệnh không đảm bảo. Do vậy, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình thực tế để có những biện pháp phòng chống, khống chế dịch bệnh, giảm thiệt hại cho bà con chăn nuôi. Đồng thời, khuyến cáo đến các hộ dân không được giấu dịch; không vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường; kịp thời thông tin đến ngành chức năng để có hướng xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan…
Việt Dũng
Nguồn: Báo Thái Nguyên