Gần 1 tháng nay, nền nhiệt tại Thái Nguyên phổ biến từ 11 đến 13 độ C, nhất là về đêm và sáng sớm. Để bảo vệ an toàn cho 95 nghìn con trâu, bò, trên 600 nghìn con lợn và 17 triệu con gia cầm trong những ngày giá rét, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng cùng vào cuộc, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra cho người dân.
Định Hóa là địa phương luôn có nền nhiệt thấp hơn so với trung bình chung của tỉnh. Bởi vậy, ngay từ khi bước vào mùa Đông năm nay, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi và biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi.
Người dân xóm Bản Tèn (xã Văn Lăng, Đồng Hỷ) chủ động dự trữ thức ăn cho trâu trong những ngày giá rét.
Theo ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa: Địa phương chỉ đạo phòng chuyên môn theo dõi dự báo thời tiết, khuyến cáo không thả rông gia súc vào những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C; hướng dẫn bà con quây kín chuồng trại bằng vật liệu có sẵn như bạt, phên nứa, bao tải… tránh gió lùa, mưa hắt làm nền chuồng ẩm ướt, lầy lội.
Cũng giống như Định Hóa, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, các địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với vật nuôi, thủy sản.
Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho hay: Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến sức đề kháng và sinh trưởng của nuôi. Do đó, cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn che chắn chuồng trại, các phòng chức năng cấp huyện còn khuyến cáo người dân phòng chống dịch bệnh; tận dụng rơm rạ và cỏ voi, cỏ ở các khu vực soi bãi làm nguồn thức ăn dự trữ. Đặc biệt là sử dụng các sản phẩm nông nghiệp như khoai, sắn, ngô ủ chua làm tăng nguồn thức ăn cho trâu, bò. Vào những ngày rét đậm, rét hại thì bổ sung thêm thức ăn tinh, nước muối pha loãng để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi…
Không chủ quan trong việc bảo vệ đàn vật nuôi vào những ngày giá rét là quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh. Để thực hiện tốt phần việc này, tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở, nhất là các xã vùng cao để trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng hoặc những nơi kín gió, có đủ điều kiện cho đàn gia súc tránh rét.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thái Nguyên đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng; kịp thời hỗ trợ vật tư, kinh phí cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách để gia cố, che chắn chuồng trại, ao giống, vườn cây giống, mua thức ăn tinh cho đàn gia súc ăn cỏ…
Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng cũng rất cần sự chủ động, tích cực của người dân trong việc phòng, chống giá rét, bảo vệ đàn gia vật nuôi. Trong đó, điều kiện cần chính là các hộ dân phải thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để nắm bắt kịp thời tình hình rét đậm, rét hại. Tuân thủ những khuyến cao và giải pháp kỹ thuật của cơ quan chức năng, có kế hoạch cụ thể phòng, chống rét đậm, rét hại cho đàn vật nuôi hiệu quả.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hình thái thời tiết như hiện nay vẫn tiếp tục duy trì, thậm chí có thể xảy ra nhiều đợt rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Thái Nguyên. Do vậy, việc phòng, chống giá rét cho đàn vật nuôi cần được lực lượng chức năng, người dân thực hiện thường xuyên, không lơ là để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
Tùng Lâm
Nguồn: Báo Thái Nguyên