(Người Chăn Nuôi) – Theo dự báo, mùa hè năm nay nắng nóng khá gay gắt, xuất hiện trên diện rộng, trong khi đó các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Ðể bảo vệ đàn vật nuôi, các địa phương đang tăng cường giải pháp ứng phó.
Quảng Ninh
Ðể hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh khuyến cáo các doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng cho đàn gia súc, gia cầm và vật nuôi thủy sản, tăng cường làm mát chuồng nuôi bằng cách dùng lưới đen, bạt và các vật dụng sẵn có che chắn xung quanh chuồng nuôi tạo sự thoáng mát nhằm giảm nhiệt độ chuồng nuôi. Thiết kế hệ thống phun mưa, phun nước trực tiếp lên mái chuồng vào những thời điểm nắng nóng cao độ trong ngày và thực hiện tốt hệ thống thông gió để hạ nhiệt, hạn chế thấp nhất lượng phân hữu cơ tại chuồng nuôi.
Riêng đối với gia cầm nuôi nhốt: Nên giảm nhiệt độ chuồng nuôi, nếu có điều kiện có thể thả đàn gia cầm ra vườn, các gốc cây quanh chuồng nuôi. Ðặc biệt hạn chế vận chuyển gia cầm thời điểm nắng nóng gay gắt trong ngày; Bổ sung thêm nước uống cho đàn gia cầm, giảm lượng tinh bột, tăng đạm, vitamin, khoáng vào khẩu phần ăn để tăng cường sức đề kháng; Nên cho gia cầm ăn vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát hoặc ban đêm; Hạn chế sử dụng vaccine phòng bệnh cho gia cầm vào các ngày nắng nóng.
Các cơ sở chăn nuôi thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi phát hiện sớm gia cầm bị ốm, bị bệnh để báo cán bộ thú y kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời khi xuất hiện các ổ dịch. Tăng cường tiêm phòng các loại các loại vaccine đạt tỷ lệ cao, đảm bảo kế hoạch tiêm phòng tỉnh giao.
Nếu nền nhiệt độ dao động 36 – 400C và kéo dài sẽ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm – Ảnh: ST
Thái Nguyên
Nhằm giảm thiệt hại do nắng nóng gây ra trên đàn gia súc, gia cầm, ngày 31/5, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản Thái Nguyên đã có văn bản hướng dẫn bà con các biện pháp chống nóng cho đàn vật nuôi. Trong đó, chú trọng hướng dẫn, tuyên truyền cho người chăn nuôi bố trí mật độ, lứa tuổi phù hợp đối với từng loại vật nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, gà đẻ; Chuồng trại phải bảo đảm cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát.
Ðặc biệt, Chi cục khuyến cáo bà con thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh cần báo cho cơ quan chuyên môn để xử lý kịp thời, tránh tình trạng vứt xác động vật chết ra môi trường, làm lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, thực hiện tiêm đầy đủ các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm để phòng bệnh…
Vĩnh Phúc
Ngày 13/5/2021, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc và đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn chủ động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân, các chủ trang trại áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi.
Trong đó, chú trọng việc giảm mật độ nuôi; Ðảm bảo chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng loài vật nuôi; Phủ các loại vật liệu lên mái chuồng để chống nóng trực tiếp và phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để quạt mát; Khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải theo đúng quy định.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện sớm gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine để phòng bệnh.
Ninh Bình
Ngày 31/5/2021, UBND huyện Gia Viễn ban hành Công văn số 658/UBND-NN về việc tăng cường công tác phòng, chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi năm 2021.
Ðối với đàn vật nuôi: Tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng cho đàn vật nuôi như cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống sạch, thay đổi khẩu phần ăn theo hướng giảm tinh bột để hạn chế sinh nhiệt, giảm số lượng, tăng giá trị dinh dưỡng, bổ sung rau xanh, vitamin và các chất điện giải vào nước uống để tăng sức đề kháng… Ðặc biệt, không chăn thả gia súc ngoài trời nắng gắt, nên nuôi nhốt và cho ăn tại chuồng hoặc chăn thả ở những nơi có cây xanh bóng mát…; Hạn chế vận chuyển vật nuôi khi thời tiết nắng nóng, nếu phải vận chuyển đi xa cần có phương tiện chuyên dụng và mật độ hợp lý, đồng thời thường xuyên dừng nghỉ bổ sung nước uống cho vật nuôi…
Áp dụng các phương pháp làm mát chuồng nuôi như: Lựa chọn vị trí xây dựng chuồng trại hợp lý, trồng cây xanh xung quanh chuồng nuôi; Tưới nước phun sương làm mát mái chuồng; Trồng cây xanh che phủ chuồng nuôi; Bố trí các quạt điện để lưu thông gió trong chuồng nuôi, chuyển đổi chuồng trại theo công nghệ chuồng kín làm mát bằng hơi nước, chủ động điều tiết nhiệt độ chuồng nuôi…
Thừa Thiên – Huế
Ðể đảm bảo dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Quảng Ðiền đã triển khai thực hiện công tác tiêm phòng vật nuôi vụ xuân cho 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Ðối với gia cầm: Tiêm vaccine cúm gia cầm, dịch tả vịt, các loại vaccine khác theo quy định. Ðến nay, toàn huyện Quảng Ðiền đã tiêm vaccine cúm gia cầm 57.000 liều, dịch tả vịt 24.100 liều.
Theo dự báo, nắng nóng tiếp tục kéo dài, vì vậy, hiện nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quảng Ðiền tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn vận động các chủ chăn nuôi gia súc, gia cầm thực hiện và tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó chú trọng công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đúng định kỳ, thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thoáng mát và bổ sung khẩu phần thức ăn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi để đủ sức chống lại nắng nóng, có khả năng kháng lại dịch bệnh.
>> Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Ðăng, nếu nền nhiệt độ dao động 36 – 400C và kéo dài sẽ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Do đó, cán bộ thú y cơ sở cần thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các chủ chăn nuôi tiêm phòng bổ sung các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm mới nuôi hoặc chưa được tiêm phòng vụ xuân. Ðối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa có hệ thống làm mát cần tăng cường quạt, hệ thống phun sương. |
Phạm Thu