(Người Chăn Nuôi) – Bảo quản trứng trước khi ấp là yếu tố quan trọng quyết định rất lớn đến tỷ lệ nở và chất lượng gà con. Ðặc biệt là vào mùa hè, thời tiết nóng bức, nếu không có phương pháp bảo quản khoa học thì quá trình ấp không đạt hiệu quả cao, gây thiệt hại về kinh tế.
Thu gom trứng
Trong ngày, thời gian gà thường đẻ rộ là khoảng 9h sáng đến 15h chiều, do đó sau khi gà đẻ xong phải tiến hành thu gom trứng để tránh trường hợp trứng bị dính bẩn, va đập…
Trên vỏ trứng có một lớp màng phấn mỏng đặc biệt để ngăn chặn vi khuẩn không thể xâm nhập vào bên trong làm hỏng trứng. Vì vậy, khi thu gom nên tránh không được lau chùi quá mạnh, nếu trứng dính bẩn có thể dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng sau đó để vào nơi thoáng mát.
Khi tiến hành thu gom, cần thực hiện một cách nhẹ nhàng, cẩn thận. Không nên để trứng chồng chéo lên nhau, để trứng quá dày sẽ làm rạn nứt và hỏng trứng.
Thu gom trứng cần nhẹ nhàng, cẩn thận – Ảnh: ST
Lựa chọn
Dựa vào hình dáng bên ngoài: Không nên chọn trứng quá to, quá nhỏ vì tỷ lệ lòng đỏ và lòng trắng không cân đối. Loại bỏ trứng bị méo, trứng vỏ mỏng, rạn nứt hoặc sần sùi, dính phân, dính máu… Vì những loại trứng này không đạt tiêu chuẩn trứng giống.
Chọn những trứng có hình oval thật rõ nét và đều, trứng có vỏ sạch, dày cứng, nhẵn và đều màu.
Khối lượng trứng giống tùy theo giống, dòng, mục đích sử dụng, tuổi của đàn gà. Ðối với giống gà nòi thường chọn những quả trứng có trọng lượng 40 – 50 g.
Sử dụng đèn soi: Ðể biết được trứng nào không đạt yêu cầu, người nuôi có thể soi trứng để đảm bảo chất lượng, tránh mất thời gian ấp trứng đã bị chết phôi. Người nuôi cần loại bỏ ngay những trứng có biểu hiện sau đây:
Trứng có vị trí lòng đỏ không nằm ở chính giữa, trứng có dị tật, có xuất hiện cục máu đóng bên trong, đây là những trứng không thể ấp ra gà con chất lượng, bình thường;
Những trứng có bọng khí không nằm đúng vị trí;
Trứng bị bong tróc vỏ, vỏ bị nứt, bị dập, những khe hở này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm chiếm vào bên trong và làm cho trứng bị hư, thối và chết phôi.
Bảo quản
Sau khi lựa chọn những quả trứng đạt chất lượng để ấp, số trứng gà này sẽ phải được bảo quản kỹ càng trước khi tiến hành ấp trứng, nếu không sẽ gây thất thoát lớn. Trong thời gian bảo quản, người nuôi cần đảm bảo các yêu cầu sau:
Nhiệt độ: Nhiệt độ lưu trữ lý tưởng là 15 – 200C. Bảo quản ở nhiệt độ quá cao thì tỷ lệ nở sẽ bị ảnh hưởng. Ðiều này sẽ làm giảm khả năng phát triển bình thường của bào thai. Nếu bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh, vỏ trứng có thể bị vỡ ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.
Ðộ ẩm: Ðộ ẩm lý tưởng là trong khoảng 75 – 85% để tránh mất nước trước khi ấp.
Thời gian bảo quản: Thay đổi tùy loài, mùa hè tốt nhất không nên bảo quản trứng lâu hơn 5 ngày, mùa đông 7 ngày trước khi ấp. Ðể càng lâu, tỷ lệ nở càng giảm. Từ ngày 7 đến 14, khả năng nở sẽ suy giảm đáng kể. Ðồng thời, vitamin bị phân hủy và màng bị mục theo thời gian dẫn đến bào thai sẽ chết yểu.
Vệ sinh: Phải loại bỏ những trứng quá bẩn, nứt và dị dạng. Trứng bẩn có thể được rửa sạch bằng dung dịch vệ sinh trứng. Dung dịch rửa nên ấm hơn so với trứng chất bẩn có xu hướng đi ra khỏi các mao mạch thay vì đi vào. Lưu ý, các dung dịch đều tẩy bỏ lớp sừng cùng với chất bẩn khỏi vỏ trứng nên sẽ khiến trứng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn trong tương lai.
Ðảo trứng: Trong thời gian bảo quản, trứng phải được đảo mỗi ngày một lần. Ðảo không đủ sẽ khiến lòng đỏ nổi lên và chạm vào màng vỏ. Nếu lòng đỏ bị chạm thì nó sẽ dính chặt và ngăn cản sự phát triển của bào thai khi ấp trứng.
Các phương pháp bảo quản
Xếp trứng vào khay, để dưới gầm giường, mát, có hơi ẩm, tối, nhiệt độ chỉ tầm 200C. Nên đảo trứng mỗi ngày 1 lần để tránh bị sát phôi.
Cho cát ẩm vào thau sau đó xếp trứng hướng đầu to lên trên, sau đó để dưới gầm giường. Cũng nên đảo trứng một ngày 1 lần.
Xếp trứng vào thau nhôm sau đó đặt nổi trên thùng nước mát và đậy kín thùng nước lại, để thùng nước vào chỗ mát.
Bảo quản bằng tủ lạnh: Bọc trứng bằng một lớp giấy báo, sau đó để vào ngăn mát tủ lạnh, chỉnh nhiệt độ tủ lạnh lên mức cao nhất (tránh nhiệt độ quá thấp).
Nguyễn Hằng