(Người Chăn Nuôi) – Mặc dù có nhiều lợi thế, song ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có. Một trong những hạn chế đó là việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cỏ và cây làm thức ăn cho ngành hàng này tại nhiều nơi còn gặp khó khăn.
Nhiều bất cập
Những năm qua, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ nước ta có nhiều bước tiến đáng ghi nhận, từ nguồn giống đến quy trình chăn nuôi, thức ăn; Phần lớn số lượng đầu con và sản lượng sản phẩm của đàn gia súc ăn cỏ có xu hướng tăng. Mục tiêu phấn đấu duy trì mức tăng trưởng trung bình giá trị sản phẩm của gia súc ăn cỏ giai đoạn 2019 – 2025 đạt 5 – 6%/năm. Sản lượng thịt hơi gia súc ăn cỏ đến năm 2025 đạt hơn 500.000 tấn, chiếm hơn 10% tổng sản lượng thịt các loại. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt 1,8 – 2 triệu tấn (khoảng 35 kg/người/năm) và hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.
Tuy nhiên, việc phát triển ngành hàng này vẫn phải đối mặt với một số thách thức như: Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ tiên tiến; Công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, năng suất, giá thành; Việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cỏ và cây thức ăn cho gia súc ăn cỏ ở nhiều nơi còn gặp khó khăn…
Ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ chưa khai thác hết tiềm năng. Ảnh: Vinamilk
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, hiện, Việt Nam mới chỉ có khoảng 70.000 ha đất trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (gồm diện tích trồng cỏ và ngô sinh khối để nuôi bò sữa, bò thịt). Cùng đó, mặc dù Chính phủ đã có chính sách chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng thức ăn chăn nuôi. Nhiều địa phương đã chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô sinh khối, thu về gấp 2,8 – 3,3 lần trồng lúa. Nhưng việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng cỏ và thức ăn chăn nuôi đang vướng rào cản chính sách.
Bởi, theo Luật Đất đai năm 2013, có 8 loại đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối và loại đất khác), trong đó, đất chăn nuôi thuộc loại đất khác. Nghĩa là chỉ được sử dụng để xây dựng chuồng trại; Trại giống và trại thực nghiệm mà chưa có câu nào nêu rõ là đất để trồng cỏ. Cùng đó, Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, bảo vệ quỹ đất lúa là 3,8 triệu ha để có sản lượng là 41 – 43 triệu tấn lúa, nhưng trên thực tế diện tích trồng lúa sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận còn lại rất thấp.
Cần chủ động nguồn nguyên liệu
Việc chủ động nguồn nguyên liệu cho chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc ăn có nói riêng là hết sức cấp thiết, nhất là khi số lượng doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi không nhiều, lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (70 – 80%). Do vậy, khi dịch COVID-19 lan rộng ra nhiều quốc gia, giá cả leo thang trong khi trong nước không có nguồn nguyên liệu thay thế.
Tuy nhiên, khi việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang trồng cỏ còn nhiều khó khăn thì giải pháp được đưa ra đó là tận dụng các nguồn nguyên liệu khác như rơm, rau, củ làm thức ăn cho gia súc.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mỗi năm, Việt Nam có trên 45 triệu tấn rơm, nếu được thu gom, chế biến thì nó trở thành nguồn thức ăn khổng lồ cho gia súc ăn cỏ, đặc biệt là cho bò. Và từ nguồn này, nếu chế biến tốt, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sang một số nước. Thực tế, đã có một số cơ sở xuất khẩu thức ăn trộn hỗn hợp (TMR), thức ăn từ rơm, thức ăn ủ chua và ngô sinh khối sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đây là hướng đi rất hiệu quả.
Các chuyên gia cũng cho rằng, giải pháp trong phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ là cần phải xây dựng vùng chăn nuôi gia súc ăn cỏ gắn với trồng, chế biến cây thức ăn thô, xanh; Tiếp tục chuyển đổi diện tích đất lúa, nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi; Chế biến phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp; Áp dụng công nghệ sinh học trong việc chế biến thức ăn để tăng hiệu quả sử dụng.
>> Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, để chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn cho gia súc, kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT nỗ lực hơn nữa trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến thức ăn TMR, TMF cho bò thịt và bò sữa. Có như vậy mới hình thành được hệ thống cơ sở nuôi vỗ bò thịt, đảm bảo năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm. |