Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF) dự kiến sẽ triển khai 13 dự án trang trại, cụm trang trại mới với tổng quy mô 198.000 heo thịt và 41.000 heo nái trong năm nay.
Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF – sàn HoSE) đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, dự kiến diễn ra vào ngày 23/4 tới đây tại TP.Hồ Chí Minh.
Theo đánh giá của Hội đồng Quản trị BAF Việt Nam, năm 2025 sẽ đánh dấu bước chuyển mình của ngành chăn nuôi trong nước khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó, hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước sẽ phải di dời ra khỏi khu vực dân cư hoặc ngừng hoạt động, dẫn đến một cuộc “đại di dời” trong ngành nông nghiệp, định hình lại toàn bộ lĩnh vực chăn nuôi. Thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp chăn nuôi là bài toán quỹ đất.
BAF Việt Nam dự kiến sẽ triển khai 13 dự án trang trại, cụm trang trại mới trong năm nay.
BAF Việt Nam đã chủ động tận dụng cơ hội này, mở rộng hệ thống trang trại thông qua việc thuê hoặc mua lại các doanh nghiệp chăn nuôi có sẵn quỹ đất hoặc đang hoàn tất thủ tục pháp lý để triển khai trang trại.
“Mục tiêu của công ty là tận dụng khoảng trống thị trường ở cả ba miền và tối ưu hoá độ phủ khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực”, BAF Việt Nam nhấn mạnh.
Đến cuối năm 2024, tổng đàn heo của BAF Việt Nam đạt hơn 450.000 con, tăng 40,6% so với năm 2023. Trong năm nay, công ty dự kiến sẽ triển khai 13 dự án trang trại, cụm trang trại mới với tổng quy mô 198.000 heo thịt và 41.000 heo nái. Các dự án này sẽ được thực hiện theo mô hình chăn nuôi khép kín, giúp nâng cao năng suất, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và tối ưu chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, công ty cũng có kế hoạch triển khai Nhà máy chế biến thịt tại tỉnh Bình Phước với công suất 240 con/giờ. Cuối tháng 3 vừa qua, BAF Việt Nam cũng đã khởi công Nhà máy sản xuất thức ăn cám chay với công suất 300.000 tấn/năm tại tỉnh Bình Định nhằm đảm bảo nguồn cung thức ăn chăn nuôi cho loạt trang trại hiện hữu và sắp đi vào vận hành tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
HĐQT BAF Việt Nam cũng cho biết công ty đang đẩy nhanh các thủ tục pháp lý liên quan đến việc xây dựng dự án chăn nuôi heo nhà tầng đầu tiên tại Việt Nam trong năm nay. Dự án dự kiến có tổng diện tích 1.550 ha, là tổ hợp khép kín bao gồm 04 toà nhà, tích hợp hệ thống trang trại nuôi heo nái, heo thịt với quy mô 64.000 heo nái và 1,6 triệu heo thịt, cùng nhà máy sản xuất cám với công suất 600.000 tấn/năm.
Cũng theo HĐQT BAF Việt Nam, việc hợp tác Muyuan – tập đoàn chăn nuôi hàng đầu thế giới giúp công ty tiếp cận các công nghệ chuồng trại thông minh, ứng dụng AI vào chuỗi chăn nuôi nhằm tối ưu hoá quy trình sản xuất kinh doanh, kiểm soát dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn sinh học, cũng như giảm thiểu tác động môi trường. Qua đó, công ty sẽ đạt các lợi thế cạnh tranh vượt trội, hướng tới hoàn thành mục tiêu sở hữu 450.000 con heo nái và 10 triệu con heo thịt vào năm 2030.
Về vấn đề phân phối lợi nhuận, HĐQT BAF Việt Nam dự kiến trình cổ đông thông qua việc không chia cổ tức năm 2024 nhằm giữ lại nguồn vốn bổ sung phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh công ty đang đẩy mạnh xây dựng hệ thống trang trại và mở rộng quy mô hoạt động.
Bên cạnh đó, BAF Việt Nam cũng dự kiến trình cổ đông thông qua việc đăng ký giao dịch lô trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ mã BAF42301 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Lô trái phiếu này có tổng giá trị 600 tỷ đồng, được phát hành vào ngày 16/3/2023 cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – thành viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Trái phiếu có lãi suất cố định 5,2%/năm, không có tài sản đảm bảo và có quyền chuyển đổi thành cổ phần BAF.
Minh Huế
Nguồn: Tạp chí Công Thương