Bắc Ninh: Kiểm soát tốt dịch bệnh giúp chăn nuôi phát triển

(Người Chăn Nuôi) – 7 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Ninh chỉ ghi nhận 2 ổ dịch tả heo châu Phi với 14 con heo bị chết và tiêu hủy. Đây cũng một trong những tỉnh tiên phong tổ chức tiêm phòng thí điểm và lấy mẫu đánh giá khả năng đáp ứng miễn dịch đối với vaccine dịch tả heo châu Phi, giúp đàn heo khỏe mạnh, đáp ứng tốt miễn dịch. 

Duy trì ổn định

Theo số liệu của Cục Thống kê Bắc Ninh, tháng 7, đàn heo trong toàn tỉnh tuy có giảm nhẹ 2,1% so với cùng thời điểm năm trước, tuy nhiên, vẫn đảm bảo số lượng 279.000 con; đàn gia cầm đang bị thu hẹp dần do ảnh hưởng của giá thức ăn chăn nuôi tăng và giá bán sản phẩm gia cầm giảm nhẹ làm cho cơ sở chăn nuôi gia cầm hiệu quả thấp, cơ bản không có lãi vì vậy nhiều cơ sở chăn nuôi thu hẹp dần quy mô. Đàn trâu vẫn duy trì đầu con so với tháng trước và tăng khá so với cùng kỳ, bên cạnh đó đàn bò có xu hướng giảm từ đầu năm và giảm khá nhằm thu hẹp dần đầu con do hiệu quả kinh tế thấp.

Tính đến cuối tháng 7, tại Bắc Ninh, đàn bò giảm nhiều; tiếp đến đàn gia cầm cũng thu hẹp quy mô so với cùng kỳ; đàn heo giảm nhẹ; riêng đàn trâu duy trì quy mô số con có mức tăng cao so với năm ngoái. Lũy kế 7 tháng đầu năm, sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng ước đạt 47.120,4 tấn, tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ; riêng trong tháng 7, ước đạt 6.515 tấn, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ. 

chăn nuôi bắc ninh

Số lượng gia súc, gia cầm tính đến cuối tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: CTK

Về công tác phòng, chống dịch, chữa bệnh động vật, tháng 7, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 2 ổ dịch tả heo châu Phi xảy ra ở 2 hộ chăn nuôi (gồm 1 hộ ở thôn Du Tràng, xã Giang Sơn, huyện Gia Bình và 1 hộ nuôi ở khu phố Khương Tự, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành) làm 14 con heo thịt mắc bệnh, bị chết.

Ngay khi phát hiện ổ dịch, cơ quan chuyên môn tại địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn tiêu hủy 14 con heo mắc bệnh, bị chết theo đúng quy định với tổng trọng lượng tiêu hủy khoảng 350 kg. Đồng thời, hướng dẫn các hộ có heo mắc bệnh và các xã, phường nơi xảy ra ổ dịch thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Cũng trong tháng 7, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện tiêm 3.542 liều vaccine THT cho đàn trâu, bò; 63.999 liều vaccine các loại cho đàn heo. 531.457 liều các loại cho đàn gia cầm; 40 liều vaccine dại cho đàn chó, mèo. Toàn tỉnh sử dụng 295 lít hóa chất và 8,35 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, cơ sở ấp nở, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu phố tại các nơi có ổ dịch và nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. 

Hiện đại hóa ngành chăn nuôi 

Hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi chiếm khoảng hơn 45% thị phần sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, đồng thời có tác động lớn đến tăng trưởng khu vực nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có gần 170 trang trại chăn nuôi quy mô tập trung và mô hình hộ nuôi chuyên nghiệp. Nhiều vùng chăn nuôi được hình thành tại các địa phương như: vùng chăn nuôi heo tập trung tại các xã Lạc Vệ, Tân Chi, Cảnh Hưng (huyện Tiên Du); các xã Gia Đông, Nghĩa Đạo, Đình Tổ, Ninh Xá, Đại Đồng Thành (Thuận Thành); các xã Tam Giang, Văn Môn, Yên Phụ (Yên Phong)…

chăn nuôi bắc ninh

Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu. Ảnh: CTK

Để thúc đẩy phát triển ngành này, thời gian qua Bắc Ninh đã xây dựng và thực hiện hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo đặc thù của từng vùng, địa phương như: Hỗ trợ chăn nuôi trang trại, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, công tác phòng bệnh, chăn nuôi an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, chăn nuôi nông hộ… Cũng chính nhờ vậy mà ngành chăn nuôi của tỉnh đang chuyển dịch mạnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Phương thức chăn nuôi đã có sự chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hoá. 

Toàn tỉnh hiện có 3 cơ sở chăn nuôi đã thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất; 5 cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống; 6 doanh nghiệp chăn nuôi trực thuộc Tập đoàn Dabaco Việt Nam được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu phát triển chăn nuôi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, khuyến khích chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn. Trong đó, phấn đấu đàn trâu đạt 3.900 con; đàn bò 17.000 con; đàn heo 300.000 con; đàn gia cầm 5,9 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 80.000 tấn. Đồng thời, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm đối với đàn heo đạt trên 90%; đàn trâu, bò đạt 80%; đàn chó, mèo đạt 95%; đàn gia cầm đạt 90%.

Để đạt được các mục tiêu này, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh cho biết, công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi luôn được tỉnh chú trọng thông qua việc khống chế có hiệu quả các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, heo tai xanh, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu, bò, bệnh dại ở chó, mèo,… 

Được biết, Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong việc tổ chức tiêm phòng thí điểm và lấy mẫu đánh giá khả năng đáp ứng miễn dịch đối với vaccine dịch tả heo châu Phi, đảm bảo duy trì đàn heo toàn tỉnh khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường với tỷ lệ đáp ứng miễn dịch đạt gần 88%.  

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *