(Người Chăn Nuôi) – Phương thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có sự chuyển biến mạnh, theo hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hóa.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh hiện có 728 trang trại theo quy định của Luật Chăn nuôi, trong đó có 52 trang trại quy mô lớn, 100 trang trại quy mô vừa và 576 trang trại quy mô nhỏ. Hàng năm, các trang trại này cung cấp ra thị trường khoảng 610.000 con giống lợn, 32 triệu con giống gia cầm, 360 triệu quả trứng và 1.600 tấn sữa tươi.
Trong số 728 trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 89 trang trại ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ chuồng lồng, chuồng kín với hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống, vệ sinh tự động (trong đó có 2 cơ sở chăn nuôi đã thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, 5 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống).
Ứng dụng công nghệ chuồng kín trong nuôi gà đẻ trứng. Ảnh: PV
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 56 cơ sở chăn nuôi liên kết theo chuỗi, trong đó có 15 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp như: Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH CJ Agri Việt Nam,… và 9 hợp tác xã dịch vụ và câu lạc bộ chăn nuôi đã có những đóng góp quan trọng để tạo bước đột phá trong ngành nông nghiệp của tỉnh, góp phần từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Để phát triển chăn nuôi, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân như: Hỗ trợ công tác phối giống nhân tạo hàng năm đối với lợn và bò; Hỗ trợ đối với cơ sở chọn tạo, nuôi giữ giống gà Hồ; Hỗ trợ kinh phí mua giống cá bố mẹ để bổ sung, thay thế đàn cá bố mẹ; Hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi,…
Riêng đối với lợn, tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ công tác phối giống nhân tạo hàng năm, qua đó giúp nâng tỷ lệ đàn lợn nái ngoại và 3/4 máu ngoại chiếm trên 90%; chất lượng đàn lợn giống được nâng lên rõ rệt, ưu thế lai được phát huy tối đa từ đó nâng cao năng suất, chất lượng thịt, tránh lây lan dịch bệnh.
Về đàn bò, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ tinh bò, nitơ và vật tư phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo đã giúp người chăn nuôi bò cái trên địa bàn nâng cao chất lượng đàn bò, thu nhập và hiệu quả kinh tế. Nhờ vậy, mặc dù đàn bò giảm từ 25.732 con năm 2021 xuống còn 20.327 con năm 2023 (giảm 5.405 con), tuy nhiên sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng từ 1.988 tấn năm 2021 lên 2.708 tấn năm 2023 (tăng 720 tấn).
Trong 2 năm (2023, 2024), Công ty TNHH MTV Gà giống Lạc Vệ đã được UBND tỉnh Bắc Ninh giao nhiệm vụ chọn tạo, nuôi giữ và phát triển đàn giống gà Hồ, số lượng gà hỗ trợ là 6.000 con. Công ty đã chọn tạo, nuôi giữ giống gà Hồ đến nay chất lượng gà Hồ được nghiệm thu có đặc điểm ngoại hình đáp ứng các yêu cầu so với Tiêu chuẩn Việt Nam.
Cùng với đó, việc hỗ trợ các loại vaccine, vật tư, hóa chất đã tạo điều kiện cho cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương chủ động trong việc tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Từ đầu năm 2024 đến nay, công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm luôn được tỉnh Bắc Ninh quan tâm chỉ đạo, trong đó có việc tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, góp phần rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, phát triển đàn vật nuôi.
Trong năm 2025, Sở NN&PTNT Bắc Ninh sẽ tập trung các giải pháp nhằm phát triển mạnh sản phẩm chủ lực của tỉnh như lợn giống, gà giống, thịt lợn và trứng, trong đó nâng tổng số trang trại ứng dụng công nghệ cao lên 132 trang trại, trong đó duy trì 52 trang trại lớn, 80 trang trại vừa, gia tăng chuỗi liên kết từ 56 lên thành 62 chuỗi.
Minh Khuê
(Tổng hợp)