Theo dự báo, năm nay thời tiết sẽ có nhiều diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao sẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng và khả năng phát triển của đàn vật nuôi. Trước tình hình này, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng để bảo vệ đàn vật nuôi.
Tránh nóng cho vật nuôi
Do đã dự báo trước nên hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm. Theo kinh nghiệm chăn nuôi của nhiều hộ dân, đặc tính sinh lý của trâu, bò là chịu nắng và nóng kém, vì vậy, trước tình hình thời tiết nắng nóng như những ngày qua, các hộ chăn nuôi gia súc đã chủ động tăng lượng rau xanh, chất đạm và bổ sung vitamin C, khoáng chất trong khẩu phần ăn; cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát; cung cấp thêm nước uống, không làm ẩm ướt nền chuồng và tắm 1 – 2 lần/ngày. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: vệ sinh tiêu độc chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia súc để tăng cường khả năng miễn dịch; phun thuốc diệt ve, ruồi… Đồng thời, theo dõi, phát hiện sớm vật nuôi bị bệnh để cách ly, điều trị xử lý kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng.
Thời tiết nắng nóng cũng làm đàn heo nuôi chậm ăn, mất sức và dễ phát sinh nhiều loại bệnh, khiến cho heo chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, chi phí tăng.
Hộ chăn nuôi ở huyện Hòa Bình bổ sung thêm cỏ tươi cho đàn dê. Ảnh: C.L
Gà, vịt cũng là một trong những loại vật nuôi dễ bị tác động do nắng nóng, chính vì vậy, những hộ chăn nuôi gà, vịt với quy mô lớn và nông hộ trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động giảm mật độ nuôi và thực hiện dọn vệ sinh chuồng trại. Bên cạnh đó, thay đổi thời gian thả vườn của đàn để hạn chế tiếp xúc với nắng nóng; chủ động bổ sung vitamin C và các chất điện giải vào chế độ dinh dưỡng giúp đàn gà giải nhiệt và tăng sức đề kháng. Nhất là, thường xuyên cải tạo đệm lót sinh học từ trấu giúp phân giải phân gà, khử mùi, giữ vệ sinh chuồng, tạo môi trường sạch, thông thoáng.
Cần chăm sóc tốt
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời tiết nắng, nóng kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng và là điều kiện thuận lợi để nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh, lây lan như: tiêu chảy, lở mồm long móng, tai xanh, cảm nóng, tụ huyết trùng trên trâu, bò… Vì vậy, các địa phương cần thực hiện tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không thả rông đàn gia súc vào thời gian nắng nóng trong ngày; thường xuyên tắm mát để giảm nhiệt độ cho cơ thể và phòng, chống các bệnh ngoài da; nhốt tại chuồng hoặc tại khu vực có cây xanh, bóng mát. Bảo đảm chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi; phủ lá, rơm, trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp; hướng dẫn người chăn nuôi phun nước lên mái hoặc phun sương trong chuồng nuôi.
Đối với những trang trại có quy mô lớn, khuyến cáo giảm mật độ chăn nuôi, giãn thời gian các lứa nuôi. Đối với chuồng kín, phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi, đầu tư máy phát điện tránh trường hợp mất điện, cải tạo chuồng nuôi thông thoáng hoặc sử dụng quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng. Tăng cường dự trữ thức ăn thô xanh; tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cho uống B complex, vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa… Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; phun thuốc sát trùng theo định kỳ. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm ốm hoặc bị bệnh để cách ly, điều trị và xử lý kịp thời, nhất là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm. Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy định.
“Hằng ngày, bà con cần quan sát, theo dõi trạng thái, sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm. Nếu phát hiện thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện không bình thường (do cảm nắng, cảm nóng, do vận chuyển có mật độ nhốt cao) cần áp dụng ngay các biện pháp làm mát để hạn chế rủi ro. Cần tách riêng gia súc, gia cầm ra nơi có bóng mát, tạo sự thông thoáng nơi nhốt, dùng ngay hệ thống quạt làm mát nhưng không nên cho thổi trực tiếp vào gia súc, gia cầm để tránh cho gia súc, gia cầm bị sốc, choáng. Đồng thời cho gia súc, gia cầm uống nước điện giải, đường gluco khi ổn định mới cho gia súc, gia cầm nhập đàn. Khi có gia súc, gia cầm ốm hoặc chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Duy Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết.
Chí Linh
Nguồn: Báo Bạc Liêu