Tháng 4/2020, dịch tả lợn châu Phi (TLCP) tái bùng phát sau 02 tháng Bắc Kạn công bố hết dịch. Từ đó đến nay, dịch TLCP vẫn âm ỉ lây lan, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi của tỉnh, đồng thời việc tái đàn lợn càng thêm khó khăn.
Việc tái bùng phát lại và lây lan dịch TLCP ở Bắc Kạn bắt đầu từ huyện Ngân Sơn, Chợ Mới, sau đó lan dần ra cả 8 huyện, thành phố. Mặc dù các cấp ngành chức năng và người chăn nuôi vẫn đang nỗ lực chống dịch, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, dịch TLCP vẫn còn tại 212 thôn, 56 xã/7 huyện, thành phố, làm chết 3.249 con lợn và dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Công tác phát triển chăn nuôi trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, việc tái đàn, khôi phục sản xuất không đạt kế hoạch đề ra. Tổng đàn lợn là 217.036 con chỉ đạt 61% kế hoạch. Tình trạng trên dẫn tới việc tái đàn lợn gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là không thể dập dịch được một cách triệt để, vì chưa có vắc xin phòng, chống loại dịch này.
Để vừa phòng chống dịch, vừa tái đàn lợn, Bộ NN&PTNT và tỉnh Bắc Kạn đã khuyến cáo bà con thận trọng khi tái đàn lợn. Việc tái đàn lợn phải đáp ứng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chỉ cho phép tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi chưa bị bệnh hoặc bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát và đã công bố hết bệnh dịch TLCP; các cơ sở chăn nuôi tái đàn phải có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi đảm bảo yêu cầu về an toàn sinh học, chủ động kiểm soát về con giống và nguồn thức ăn. Khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ bảo hộ lao động bằng nước với xà phòng hoặc chất tẩy rửa; xử lý phân và chất thải bằng biogas, chôn, đốt; tiêu huỷ xác lợn chết và sản phẩm từ lợn theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y; cách ly, kiểm soát ra vào cơ sở chăn nuôi; không nuôi các động vật khác như lợn rừng, gà, vịt, chó, mèo trong khu vực chăn nuôi lợn; không cho khách tham quan chuồng trại; không cho lợn ăn thức ăn thừa của người khi chưa được nấu chín…
Đàn lợn đen bản địa của HTX Trần Phú phát triển tốt
Những quy định trên là điều kiện đủ để các cơ sở chăn nuôi và hộ dân tái đàn lợn. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chỉ có Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn, đang chăn nuôi tại 02 trang trại (trang trại ở xã Nông Hạ, Chợ Mới có quy mô 300 con lợn nái và 3.000 con lợn thịt; trang trại ở xã Mỹ Thanh, Bạch Thông, có quy mô 600 con nái và 10.000 con lợn thịt) và Công ty TNHH Nam Huế vừa kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc và duy trì trang trại quy mô 100 con lợn nái, 3.000 con lợn thịt tại phường Đức Xuân, TP. Bắc Kạn là đủ tiềm lực cả về vốn và kỹ thuật để phát triển đàn lợn. Thực tiễn cho thấy, do chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học nên mặc dù dịch bệnh vẫn hoành hành, nhưng những trang trại của 2 công ty trên vẫn an toàn, phát triển và thu lãi lớn.
Còn lại, hơn 80% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh, nguồn lực kinh phí, kỹ thuật có hạn nên không đáp ứng được các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, và đây chính là nguồn lây bệnh tự nhiên rất khó kiểm soát. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất giống nên khó chủ động được nguồn cung con giống an toàn phục vụ nhu cầu của người dân. Việc người chăn nuôi vẫn phải mua giống ở ngoài tỉnh dẫn tới khó kiểm soát chất lượng giống và dịch bệnh kèm theo. Không những thế, giá lợn con giống cũng tăng tới 300.000 đồng/kg trở lên; giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020 nên hạch toán chăn nuôi lợn không có lãi, độ an toàn bảo toàn vốn không đảm bảo khiến cho nhiều hộ dân không dám tái đàn. Anh Phan Văn Tuân- Giám đốc HTX Trần Phú (Na Rì) chia sẻ: Chúng tôi định chuyển hướng sang chăn nuôi lợn lai nhưng do quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đòi hỏi phải đầu tư rất lớn, cùng với đó, giá thức ăn chăn nuôi và lợn con đều tăng nên HTX không đủ năng lực. Sau đó, HTX chỉ tổ chức chăn nuôi lợn đen bản địa, duy trì ở mức trên dưới 200 con.
Đồng chí Đỗ Xuân Việt- Chi Cục trưởng, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, tỉnh đã chỉ đạo chuyển hướng chăn nuôi lợn theo hướng quy mô lớn, chăn nuôi nông hộ áp dụng khoa học công nghệ, tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ điều kiện để thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn, thiếu cơ sở trang trại, gia trại đủ điều kiện; 80% các hộ chăn nuôi quy mô gia đình không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo an toàn sinh học. Ngoài ra, giá lợn con tăng, giá thức ăn gia súc tăng trong khi đó giá lợn hơi ổn định trên dưới 70.000 đồng/kg là không có lãi, do vậy việc tái đàn lợn chậm.
Có thể thấy, trước những yêu cầu bắt buộc về quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học; khó khăn về nguồn vốn, giống và nguy cơ nhiễm dịch TLCP, việc tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn rất nhiều khó khăn./.
Phan Quý
Nguồn: Báo Bắc Kạn