Theo báo cáo của UBND xã Trần Phú, từ ngày 5 – 25/7 có 100 con lợn của 11 hộ dân thôn Nà Coóc bị ốm chết nhưng người dân không báo cáo với thôn và chính quyền địa phương. Tiếp đó, từ ngày 26/7 đến 4/8 có thêm gần 30 con lợn của các hộ dân thôn: Nà Coóc, Khuổi Mý, Phiêng Pụt, Nà Đấu, Khuổi Khiếu bị chết do mắc bệnh.
Người dân xã Trần Phú chủ động phun tiêu trùng khử độc ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, huyện Na Rì đã họp khẩn với lãnh đạo UBND xã Trần Phú, 4 xã thuộc vùng uy hiếp (Quang Phong, Dương Sơn, Cư Lễ, Văn Minh) và các phòng, ban liên quan để có giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Trước đó, thời điểm nhận được thông tin từ cơ sở, UBND huyện đã ban hành các văn bản liên quan đến dịch bệnh, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện bố trí lực lượng trực tiếp hỗ trợ xã Trần Phú triển khai các biện pháp dập dịch. Ngày 03/8, huyện đã tiếp nhận 500 lít thuốc do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh điều chuyển để phục vụ phun tiêu trùng khử độc vùng dịch và vùng bị uy hiếp.
Vôi bột được người dân sử dụng vệ sinh khu vực chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh.
Anh Hoàng Văn Thực, Trưởng thôn Nà Coóc, xã Trần Phú cho biết: “Hiện thôn đang tập trung cao độ, phối hợp chặt chẽ với cán bộ chuyên môn phun tiêu trùng khử độc. Vận động các hộ dân nếu phát hiện lợn bị mắc bệnh phải báo cáo và tiến hành tiêu hủy kịp thời, đặc biệt là không vận chuyển, giết mổ gia súc trong thời điểm này tránh dịch bệnh lây lan mạnh thêm”.
“Xã sẽ bổ sung thêm trang thiết bị hỗ trợ cho lực lượng đi tiêu hủy bảo đảm nhanh chóng, kịp thời. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, nhất là ở các thôn đang có dịch lưu hành”, đồng chí Hoàng Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Phú cho hay.
Không riêng Trần Phú, các địa phương khác trong huyện Na Rì, nhất là 4 xã vùng bị uy hiếp cũng đang tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi trước nguy cơ tấn công của dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, từ ngày 01/8 các xã vùng đệm triển khai thực hiện đợt phun tiêu độc khử trùng vệ sinh môi trường đồng loạt với tần suất 1 lần/tuần liên tục cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Các xã tổ chức thống kê đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn lợn, theo dõi biến động đàn; hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng dịch. Tăng cường quản lý các cơ sở giết mổ trên địa bàn. Trong thời gian có dịch tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc cảm nhiễm với dịch tả lợn châu Phi và sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch.
Theo đồng chí Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Na Rì: Huyện đã chỉ đạo xã Trần Phú quán triệt ngay các hộ dân tăng cường biện pháp chống dịch, phun khử trùng đồng loạt không bỏ sót hộ nào, phun cả các khu vực công cộng, đường giao thông. Quán triệt nghiêm đến các hộ dân khi có lợn ốm, lợn chết phải báo ngay, thống kê kịp thời, phải làm chặt từ các thôn. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của Nhân dân về dịch tả lợn châu Phi; thực hiện tốt phương châm “5 không” trong phòng chống dịch, đặc biệt là không giấu dịch, khi lợn có triệu chứng bị bệnh phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, tránh để dịch bệnh lây lan rộng./.
>> Ngày 31/7, huyện Na Rì đã công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Trần Phú sau khi có kết quả xét nghiệm xác định mẫu lợn chết dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, tổng đàn lợn của xã Trần Phú là hơn 3.000 con.