Sáng 23/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì buổi làm việc về Đề án xây dựng, phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gia súc ăn cỏ tập trung theo hướng chuỗi giá trị tại địa bàn các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và một số sở, địa phương có liên quan.
Các đại biểu dự buổi làm việc.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, tính đến hết năm 2023, tỉnh có 736 HTX nông nghiệp, trong đó chỉ có 15% số HTX chăn nuôi gia súc, chủ yếu là số lượng HTX trồng trọt và HTX hoạt động tổng hợp. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Sơn Động có điều kiện, lợi thế cho phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, tuy nhiên đa số các hộ gia đình chăn nuôi gia súc ăn cỏ với quy mô nhỏ lẻ theo hướng bán chăn thả, chủ động khoảng 10% thức ăn. Mặc dù số lượng các hộ gia đình chăn nuôi gia súc nhiều, nhưng số lượng các mô hình HTX chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn 04 huyện rất ít, cơ cấu tổ chức hoạt động lỏng lẻo, kém hiệu quả.
Đề án xây dựng, phát triển mô hình HTX chăn nuôi gia súc ăn cỏ tập trung theo hướng chuỗi giá trị nhằm xây dựng một số mô hình điểm về HTX chăn nuôi gia súc ăn cỏ tập trung, phát triển theo hướng chuỗi giá trị; tạo cơ sở, tiền đề hình thành vùng nguyên liệu tập trung nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững; từng bước nâng cao thu nhập của người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 4 huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế. Đề án thực hiện từ năm 2025 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án là 10 tỷ đồng.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Đức Hiền làm rõ một số nội dung của Đề án.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Đề án tập trung thực hiện 6 nội dung gồm: Xây dựng, củng cố tổ chức hoạt động của HTX tham gia thực hiện Đề án; Hỗ trợ xây dựng mô hình HTX chăn nuôi gia súc ăn cỏ tập trung, hoạt động theo hướng chuỗi giá trị; Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực nhận thức; Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; Tổ chức các hội nghị triển khai, tổng kết Đề án; Quản lý chung Đề án.
Để triển khai thực hiện Đề án khả thi, sát với thực tế và đem lại giá trị hiệu quả cao, tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã trao đổi, góp ý một số nội dung của Đề án như: Căn cứ xây dựng Đề án; đối tượng, số lượng, mô hình, định mức và hình thức hỗ trợ của Đề án; công tác quản lý, trách nhiệm kiểm soát sau khi Đề án được triển khai;…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai xây dựng Đề án, góp phần tạo sinh kế, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Để triển khai xây dựng Đề án có hiệu quả, đồng chí đề nghị Liên minh HTX tỉnh tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi làm việc. Quan tâm tính toán phương án giá, quy mô, kinh phí thực hiện của Đề án. Nêu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương; đánh giá lại những nhiệm vụ đã nêu trong Đề án, để từ đó xác định rõ thời hạn thực hiện.
Văn phòng UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ Liên minh HTX tỉnh trong triển khai thực hiện Đề án./.
Thảo My
Nguồn: Cổng TTĐT Bắc Giang