Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong Nhiệt đới xây dựng mô hình nuôi ong khai thác mật ong ở thùng kế theo hướng VietGAHP tại huyện Lục Ngạn, quy mô 105 đàn thuộc Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong ngoại khai thác mật trên thùng kế theo hướng VietGAHP”, giai đoạn 2020 – 2022.
Từ tháng 3 năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang cùng với Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn và đơn vị chủ trì Dự án tiến hành khảo sát và lựa chọn cơ sở nuôi ong Hoàng Anh Sáng, tổ dân phố Trung Nghĩa, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang xây dựng mô hình. Chủ cơ sở, ông Hoàng Anh Sáng là người có nhiều kinh nghiệm nuôi ong ngoại ở thùng đơn (loại thùng 1 tầng) theo phương pháp truyền thống. Cơ sở được hỗ trợ 70% đàn ong giống và vật tư nuôi ong, 30% còn lại do cơ sở góp vốn đối ứng.
Giống ong cung cấp cho mô hình là giống ngoại Apis mellifera L., đã qua chọn lọc và lai tạo bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Các đàn ong có tính tụ đàn lớn; khỏe mạnh, không nhiễm bệnh ấu trùng và ve ký sinh, ong chúa ≤ 6 tháng tuổi, năng suất mật cao, đảm bảo theo các công bố tiêu chuẩn cơ sở. Thức ăn bổ sung cho đàn ong có nguồn gốc rõ ràng; không để lại tồn dư các hóa chất độc hại trong sản phẩm ong. Cơ sở nuôi ong đã nhận được 105 đàn ong thùng kế vào tháng 5 năm 2021. Trước khi tiếp nhận đàn ong giống, cơ sở nuôi ong đã được tập huấn kỹ thuật lần đầu và được phát tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong khai thác mật ong trên thùng kế theo hướng VietGAHP. Cán bộ chỉ đạo kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông tỉnh cùng với cán bộ kỹ thuật của đơn vị chủ trì và cán bộ của đơn vị cung cấp đàn ong giống đã trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi ong khai thác mật ong trên thùng kế theo hướng VietGAHP. Nhờ áp đúng quy trình kỹ thuật, đàn ong đã tăng nhanh thế đàn. Đến tháng 6, các đàn ong của dự án đã được lên kế lửng.
Để thu mật ở tầng kế, cơ sở nuôi ong đã sử dụng cầu lửng gắn tầng chân và các hộp nhựa để đa dạng hóa sản phẩm mật ong. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ sở đã thu được sản phẩm mật ong tầng kế từ hầu hết các đàn ong trong mô hình của dự án.
Theo ông Hoàng Anh Sáng, sử dụng thùng kế để nuôi ong có nhiều ưu điểm so với nuôi ong ở thùng đơn truyền thống. Cụ thể, khi thu hoạch mật, chỉ cần lấy các cầu mật ở tầng kế ra, không làm ảnh hưởng đến hoạt động đẻ trứng của ong chúa và nuôi dưỡng ấu trùng của ong thợ ở tầng trệt. Đặc biệt, mật ong thu ở tầng kế là mật đã chín, hàm lượng nước thấp, không lẫn xác ấu trùng nên chất lượng mật hơn hẳn mật ong thu ở thùng đơn. Ngoài ra, nuôi ong thùng kế có thể thu các sản phẩm mật ong khác nhau như: mật ong ly tâm (giống như mật ong thu ở thùng đơn) và mật ong bánh tổ. Trong đó mật ong bánh tổ rất được người tiêu dùng ưa chuộng lên dễ tiêu thụ và giá bán lại cao. Hiện tại, cơ sở đang thu mật cầu mật ở tầng kế, mỗi cầu mật có thể đạt 1,5 – 1,6 kg mật, với giá bán 80.000 – 100.000 đồng/kg đem lại giá trị cao gấp 1,5 – 2 lần so với giá mật ong nuôi truyền thống. Nuôi ong thùng kế là giải pháp kỹ thuật để thu được mật ong nguyên chất được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Với phương pháp này, chi phí để làm thêm thùng kế, cầu kế phải đầu tư cao hơn hơn nhưng bù lại chất lượng, giá trị mật ong sẽ được nâng cao.
Sử dụng thùng kế để nuôi ong có nhiều ưu điểm so với nuôi ong ở thùng đơn truyền thống
Bà Lã Thị Chắt – Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi – Thủy sản (Trung tâm Khuyến nông) chia sẻ, đàn ong nuôi ở thùng đơn thông thường, phần dự trữ mật ong, phấn hoa và phần con (trứng, ấu trùng, nhộng) ở trên cùng bánh tổ. Vì vậy, khi khai thác mật, người nuôi ong phải rũ sạch ong khỏi cầu trước khi đưa ra ngoài để quay mật. Qua trình này làm gián đoạn các hoạt động của đàn ong, làm chết ấu trùng, có khi chết cả ong chúa. Mật ong thu được có lẫn mật hoa (ong vừa lấy về), mật chưa chín (ong chưa luyện xong) và cả xác ấu trùng làm giảm chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, nếu sử dụng thùng kế, phần mật khai thác sẽ chỉ lấy các cầu mật từ tầng kế, mật thu được là mật đã chín hoàn toàn. Màu sắc mật ong thùng kế trong, không vẩn đục. Thời gian bảo quản sẽ được lâu hơn bởi mật ong đã chín có hàm lượng nước thấp.
Sử dụng thùng kế để nuôi ong là phương pháp chăn nuôi ong mới, lần đầu tiên được Trung tâm Khuyến nông chuyển giao đến người nuôi tại tỉnh Bắc Giang. Phương pháp này không chỉ nâng cao chất lượng mật ong mà còn giảm được công lao động do không phải quay mật nhiều lần. Bước đầu xây dựng thành công mô hình tại huyện Lục Ngạn sẽ tạo niềm tin cho cơ sở nuôi ong xây dựng mô hình. Từ đó nhân rộng ra các các vùng trong và ngoài tỉnh, góp phần từng bước thay đổi phương pháp nuôi ong truyền thống sang phương pháp mới tiên tiến ở Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường mật ong trong nước và quôc tế hiện nay.
Hương Giang – Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia