Lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát triển mạnh, song hành với đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi (TACN) diễn ra sôi động với đa dạng sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người chăn nuôi cũng như hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Còn nhiều vi phạm
Trên địa bàn tỉnh hiện có 665 cửa hàng kinh doanh, 4 nhà máy sản xuất thuốc thú y và hơn 700 cửa hàng kinh doanh, 4 nhà máy sản xuất TACN đang hoạt động. TACN, thuốc thú y có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của vật nuôi. Nếu người chăn nuôi mua phải sản phẩm không bảo đảm chất lượng sẽ khiến vật nuôi chậm lớn, tốn nhiều chi phí. Cùng đó, nếu sử dụng thuốc thú y kém chất lượng sẽ dẫn đến hiệu quả công tác phòng, chống bệnh bệnh thấp, có thể gây còi cọc, chết vật nuôi, giảm lợi nhuận chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng này rất khó kiểm chứng chất lượng.
Lực lượng thanh tra (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc thú y tại một cửa hàng trên địa bàn phường Xương Giang, TP Bắc Giang.
Khi được hỏi, đa số người chăn nuôi cho rằng, bằng mắt thường khó nhận biết đâu là TACN, thuốc thú y kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái nên đa phần họ chỉ biết gửi niềm tin vào người bán hàng. Trong năm 2023, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức kiểm tra 59 cơ sở kinh doanh TACN và lấy 91 mẫu để phân tích, từ đó phát hiện 13 mẫu vi phạm quy định về chất lượng. Ngoài ra, lấy 49 mẫu thuốc thú y để phân tích và phát hiện 10 mẫu không đạt chất lượng.
Từ kết quả trên cho thấy, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, TACN đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa. Theo ông Hoàng Minh Tân, Phó trưởng Phòng Hành chính – Thanh tra (Chi cục Chăn nuôi và Thú y), qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các lỗi vi phạm chủ yếu như: Thiếu hàm lượng các chất chính trong TACN như đã công bố; kinh doanh các loại vắc-xin, kháng thể trong chăn nuôi không trong danh mục được phép lưu hành, sản phẩm nhập lậu, hàng giả…
Đơn cử, trong năm Chi cục đã lập biên bản xử phạt 4 triệu đồng đối với đại lý thuốc thú y của bà Cao Thị Th, xã Cẩm Lý (Lục Nam) kinh doanh sản phẩm TACN bổ sung NN1-Vitamin Plus của Công ty TNHH Thuốc thú y GAV (Hải Dương) vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm. Trường hợp khác, đại lý kinh doanh của ông Phạm Văn Th, xã Việt Tiến (Việt Yên) đã bị xử phạt 5,5 triệu đồng do kinh doanh sản phẩm Amox-S300 của Công ty cổ phần Goovet (Phú Thọ) không bảo đảm chất lượng.
Bảo đảm quyền lợi người chăn nuôi
Bắc Giang luôn nằm trong 10 tỉnh, TP có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước, sản phẩm không chỉ phục vụ tiêu thụ nội tỉnh mà còn xuất bán 60% ra các tỉnh lân cận. Hiện nay, đàn lợn đang duy trì khoảng 885 nghìn con, đàn gia cầm 20,5 triệu con, đàn trâu, bò 109 nghìn con và đàn dê 33 nghìn con… Do đó, việc siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, TACN có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của vật nuôi cũng như hiệu quả công tác chăn nuôi trên địa bàn.
Bắc Giang luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, TP có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước, sản phẩm không chỉ phục vụ tiêu thụ nội tỉnh mà còn xuất bán 60% ra các tỉnh lân cận. Hiện nay, đàn lợn duy trì khoảng 885 nghìn con, đàn gia cầm 20,5 triệu con, đàn trâu, bò 109 nghìn con và đàn dê 33 nghìn con…
Theo ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hằng năm, Chi cục đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với lực lượng liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y và TACN trên địa bàn.
Riêng năm 2023, Chi cục đã cấp 76 chứng chỉ hành nghề thú y, 167 chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y và gia hạn 68 chứng chỉ hành nghề thú y. Đồng thời, tham mưu lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành 19 thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cho các đơn vị sản xuất, gia công TACN trên địa bàn.
Mặc dù vậy, với địa bàn rộng, số lượng cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, TACN nhiều, trong khi lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra còn mỏng, sản phẩm thuốc thú y, TACN lưu hành đa dạng nên công tác quản lý hiện gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, chi phí để thực hiện lấy mẫu phân tích hàm lượng các chất trong những loại vật tư này lớn (khoảng 800 nghìn đồng/mẫu, chưa kể chi phí vận chuyển), ngân sách cấp cho công tác này có hạn nên số lượng mẫu được lấy ít.
Lực lượng chức năng chủ yếu chọn những công ty, cửa hàng kinh doanh có dấu hiệu vi phạm để lấy mẫu kiểm tra. Chưa kể, nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng này nhỏ, lẻ nằm trong các thôn, xóm, một số đối tượng kinh doanh hàng giả, kém chất lượng khá tinh vi, thường không bày bán sản phẩm ở quầy mà cất giấu kỹ nên rất khó phát hiện.
Để bảo vệ quyền lợi người chăn nuôi, góp phần tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển ổn định, bền vững, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phối hợp với các lực lượng bám sát cơ sở, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Tích cực tổ chức tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng TACN, kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh vật nuôi theo quy định. Đồng thời tiếp tục tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất TACN, thuốc thú y; kiểm tra, giám sát việc công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, đăng ký lưu hành và lấy mẫu đánh giá chất lượng sản phẩm, kịp thời phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, trong quá trình kiểm tra sẽ thực hiện lấy mẫu thuốc thú y, TACN lưu hành trên địa bàn gửi phân tích, đánh giá chất lượng làm căn cứ để xử lý vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền đến doanh nghiệp sản xuất, đại lý kinh doanh các loại vật tư trên chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Yêu cầu các cửa hàng cam kết không kinh doanh các sản phẩm thuốc nằm ngoài danh mục, thuốc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Nguồn: Báo Bắc Giang