Dù nuôi nhốt 20 con bò nhưng khu vực chăn nuôi rộng hơn 500 m2 của gia đình ông Trần Anh Hùng (ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) luôn sạch sẽ và không gây mùi hôi nhờ áp dụng phương pháp đệm lót sinh học.
Ông Trần Anh Hùng cho biết, trước đây, ông nuôi theo phương pháp truyền thống, phải vệ sinh chuồng hàng ngày. Sau dịch COVID-19, giá bò xuống thấp trong khi giá thức ăn, thuốc thú y tăng cao, việc nuôi bò hiệu quả thấp. Ông đã tìm hiểu qua báo chí, mạng Internet và tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật. Tháng 5/2023, ông Hùng mạnh dạn đầu tư 145 triệu đồng để cải tạo và mở rộng chuồng trại lên 250 m2, nâng cao mái, làm sàn bê tông và đệm lót sinh học, máng nước uống tự động… Xung quanh ông cũng bố trí khu vực thả bò với diện tích khoảng 300 m2. Đệm lót sinh học cho bò được làm bằng trấu, mùn cưa và men, với độ dày 15 – 20 cm. Đệm lót này thường xuyên được kiểm tra và bổ sung thêm trấu, men để bảo đảm nền luôn khô và sau 6 – 7 tháng sử dụng, đệm sẽ được thay thế mới.
Ông Trần Anh Hùng kiểm tra đệm lót trong khu vực chuồng nuôi bò.
“Việc làm đệm lót sinh học chứa vi sinh vật có lợi luôn hoạt động và sinh nhiệt giúp ức chế, tiêu diệt vi khuẩn có hại, làm ấm, tăng khả năng kháng bệnh cho bò. Người nuôi cũng không mất công sức dọn dẹp thường xuyên, mùi hôi thối do phân và nước tiểu đàn bò thải ra được xử lý triệt để, không có ruồi nhặng nên hạn chế dịch bệnh. Phần đệm lót đã sử dụng được dùng làm phân bón vi sinh cho cây trồng và bán cho các hộ trồng trọt tại địa phương”, ông Hùng nói.
Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, từ tháng 12/2022, ông Trần Anh Hùng còn lai thử nghiệm 2 giống bò lai sind và 3B để tạo ra giống bò thế hệ F1 3B mới. Đến nay, trang trại đã có 10 bò cái được nhân giống giữa hai loại bò này và dự kiến khoảng tháng 9 tới sẽ sinh lứa bò giống F1 3B đầu tiên.
“Việc lai tạo giống bò mới này mang lại giá trị kinh tế cao hơn, bởi cùng quy trình chăn nuôi nhưng so với bò lai sind, bò F1 3B ít công chăm sóc hơn, lượng tiêu thụ thức ăn ít hơn, sức đề kháng cao hơn. Bên cạnh đó, giá bán bò giống lai F1 3B cao gấp đôi bò giống lai sind, với giá từ 15 – 17 triệu đồng/con”, ông Hùng thông tin thêm.
Ông Huỳnh Đức Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ cho biết, trên địa bàn xã Phước Hội có 170 hộ chăn nuôi bò, chủ yếu nuôi theo phương pháp truyền thống nên gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao, giá bán không ổn định và hoạt động chăn nuôi cũng tác động xấu đến môi trường. Mô hình nuôi bò sinh sản trên nền đệm lót sinh học của gia đình ông Trần Anh Hùng bước đầu đã phát huy hiệu quả. Đây sẽ là nguồn cung cấp bê con chất lượng cao cho người chăn nuôi trong thời gian tới.
“Hội nông dân xã cũng sẽ tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn dự án của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, Quỹ hỗ trợ huyện để phát triển, nhân rộng mô hình này”, ông Huỳnh Đức Nhân cho biết thêm.
Bài, ảnh: Đông Hiếu
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu