Bà Rịa – Vũng Tàu: Chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng tới sản xuất hàng hóa

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật được xem là nhiệm vụ quan trọng trong công tác triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi.

Chăn nuôi ATDB

Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu, xã Suối Rao, huyện Châu Đức đang nuôi 80 ngàn con gà trong chuồng lạnh trên diện tích gần 7.000 m2. Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu cho biết, trong chăn nuôi khâu quan trọng nhất là môi trường và phòng chống dịch bệnh. Nếu người nuôi giải quyết được hai vấn đề này sẽ đem lại hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường nuôi cũng như phòng chống dịch bệnh trên gia cầm. Với công nghệ nuôi chuồng lạnh khép kín này, DN chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Nhờ vậy, tỷ lệ hao hụt thấp so với các mô hình chăn nuôi khác.

chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Chăn nuôi tập trung và theo quy mô công nghiệp đã giúp kiểm soát được môi trường và an toàn dịch bệnh. Trong ảnh: Chăn nuôi heo công nghiệp tại trang trại heo ở ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức.

Trong khi đó, trang trại heo tại ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức cũng đang áp dụng mô hình chăn nuôi heo công nghiệp với thiết kế chuồng trại được nâng cao, sàn nuôi cách mặt đất khoảng 70 cm, quanh chuồng có hệ thống quạt. Trang trại hiện đang nuôi khoảng 400 heo thịt, 100 heo nái và 200 heo cai sữa.  Ông Phan Công Luận, kỹ thuật viên trang trại chăn nuôi heo xã Sơn Bình, huyện Châu Đức cho biết, trại nuôi theo quy mô công nghiệp, tự cung tự cấp giống nên bảo đảm môi trường, tỷ lệ hao hụt ít, các bệnh trên heo ít xảy ra nên kiểm soát được chất lượng. “Trang trại được cán bộ thú y địa phương hướng dẫn cách phòng, tránh dịch bệnh, tham gia các đợt tiêm vacxin và ghi chép đầy đủ nhật ký chăn nuôi, thực hiện nghiêm vệ sinh chuồng trại, phun xịt tiêu độc khử trùng, tuân thủ các quy định về vùng nuôi ATDB. Nhờ vậy đàn heo của trang trại luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, không phát sinh dịch bệnh”, ông Phan Công Luận nói.

Không chỉ các cơ sở, hộ nuôi gia súc, gia cầm, việc kiểm soát đàn chó, mèo cũng được kiểm soát. Để xây dựng các vùng ATDB dại, hàng năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp các địa phương triển khai tiêm phòng bắt buộc vacxin dại cho toàn bộ chó, mèo trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu trên 80% chó, mèo nuôi được tiêm phòng.

Tiếp tục xây dựng các vùng, cơ sở ATDB

Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng đàn heo gần 400 ngàn con, gần 6,6 triệu con gia cầm; hơn 52.200 con trâu, bò; hơn 92.720 con dê, cừu và trên 52 ngàn con chó, mèo. Để triển khai xây dựng vùng, cơ sở ATDB, ngành chăn nuôi đã khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong việc giám sát dịch bệnh đối với bệnh đăng ký chứng nhận, công nhận vùng ATDB…

Theo Kế hoạch chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh, xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB là 1 trong 7 mục tiêu để đảm bảo phát triển chăn nuôi của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Ông Thịnh Đức Minh, cán bộ phòng nghiệp vụ Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, mục tiêu hướng tới năm 2024 là công nhận vùng ATDB đối với bệnh lở mồm long móng gia súc và dịch tả heo cổ điển tại huyện Châu Đức; vùng ATDB đối với bệnh dại động vật tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc.

“Thời gian tới, ngành chăn nuôi tiếp tục kiểm tra, đánh giá duy trì các vùng, cơ sở ATDB đã được công nhận và đẩy mạnh công tác xây dựng các vùng, cơ sở ATDB để tất cả các trang trại đủ điều kiện được công nhận là cơ sở ATDB động vật”, ông Thịnh Đức Minh nói thêm.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh đã có 17 vùng ATDB, gồm: vùng ATDB dại tại huyện Côn Đảo, TP.Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ; vùng ATDB cúm gia cầm và Newcastle tại huyện Côn Đảo, Châu Đức và TX. Phú Mỹ; vùng ATDB lở mồm long móng và dịch tả heo tại huyện Đất Đỏ, Long Điền và 86 cơ sở ATDB động vật được cơ quan thú y công nhận.

Bài, ảnh: Đông Hiếu

Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *