(Người Chăn Nuôi) – Tiêu thụ gia cầm khắp châu Á ngày càng tăng, thúc đẩy chăn nuôi gia cầm nhưng cũng làm gia tăng áp lực tìm kiếm protein thức ăn giá rẻ hơn. Thay thế đậu tương bằng các axit amin có thể là giải pháp cho bài toán chi phí.
Khô đậu, nguồn protein/axit amin chính trong khẩu phần của gà thịt, có tầm quan trọng then chốt. Nhiều quốc gia châu Á đang phụ thuộc vào nhập khẩu các thành phần này vì nguồn cung tại địa phương gần nhưng không đủ. Theo báo cáo WASDE tháng 8/2021 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu khô đậu của thế giới trong năm 2021/22 sẽ đạt 64,29 triệu tấn, chủ yếu sang châu Á. Tuy nhiên, khi giá đậu hạt và khô đậu ngày càng tăng, các hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi châu Á phải tìm cách quản lý chi phí để duy trì bền vững, đặt ra nhu cầu cấp thiết là giảm phụ thuộc vào khô đậu nhập khẩu.
Giảm CP
Các axit amin là một nguồn protein thay thế hiệu quả cho khô đậu. Phát triển thành công khẩu phần ăn giảm protein thô (CP) cho gà thịt là chiến lược mạnh mẽ nhất trong nỗ lực sản xuất gia cầm bền vững. Chế độ ăn giảm CP phù hợp với gà thịt phải có khả năng giảm một nửa sự phụ thuộc của ngành chăn nuôi vào khô đậu nhập khẩu.
Hơn nữa, ưu điểm của chế độ ăn giảm CP là giảm lượng khí thải nitơ và amoniac, chất lượng lứa đẻ tốt hơn, cải thiện phúc lợi của gia cầm và tăng cường sức khỏe đàn. Tuy nhiên, việc phát triển thành công chế độ ăn giảm CP cho gà thịt là một thách thức lớn vì nhiều lý do. Giảm CP trong khẩu phần có thể đạt được bằng cách thay thế một số khô đậu bằng ngũ cốc khác (ngô hoặc lúa mì) và đáp ứng các nhu cầu axit amin bằng một loạt các axit amin không liên kết.
Tuy nhiên, những vấn đề phát sinh từ chế độ ăn nhiều tinh bột bao gồm tỷ lệ protein, sự mất cân bằng giữa protein không liên kết và protein – axit amin liên kết và thiếu hụt các axit amin “không thiết yếu”, gồm glycine và serine.
Ngoài ra, tiêu hóa các axit amin không liên kết và liên kết với protein đối lập nhau. Mọi nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết những vấn đề này. Giảm trên 30 g/kg CP thường ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng. Ðiều này đặc biệt áp dụng cho FCR vốn liên quan đến sự tích tụ chất béo có thể được giám sát dễ dàng bằng cách xác định trọng lượng túi mỡ bụng.
Nồng độ threonine tự do trong huyết tương thường tăng đột biến ở những con gia cầm được cung cấp chế độ ăn giảm CP. Nguyên nhân threonine tăng vọt chưa được xác định rõ ràng, nhưng đây có thể là dấu hiệu cho thấy gia cầm có khả năng giảm CP trong khẩu phần ăn tốt như thế nào.
Ðậu hạt và axit amin không liên kết
Trong bảng 1, mức CP trong khẩu phần thức ăn chứa ngô đã giảm 29 và 57 g/kg từ 222 xuống 193 và 165 g/kg CP. Tỷ lệ bổ sung khô đậu giảm 32% và 66%, tỷ lệ ngô và axit amin không liên kết tăng từ 7,23 lên 19,47 và 38,49 g/kg.
Bảng 1
Gà thịt được cung cấp chế độ ăn 193 g/kg CP đạt hiệu suất tốt hơn so khẩu phần 222 g/kg sau khi nở từ 7 – 35 ngày với mức tăng đáng kể 8,22% (2.396 g so với 2.214 g/con) về tăng trọng và 2,62% (1,415 so 1,453) về cải thiện FCR, mặc dù tỷ lệ bổ sung khô đậu thấp hơn 32%.
Gia cầm ăn khẩu phần 165 g/kg CP có trọng lượng tăng đáng kể 7,05% (2.370 g so với 2.214 g/con) và trong khi FCR giảm 1,38% (1,473 so 1,453). Sự khác biệt này không đáng kể và khô đậu trong khẩu phần 165 g/kg CP giảm 66% so nhóm đối chứng.
Trong bảng 1, trọng lượng túi mỡ tương đối đã tăng lên đáng kể nhờ chế độ ăn giảm CP, đây là kết quả mà hãng chăn nuôi đang cố gắng tránh. Ngoài ra, nồng độ threonine tự do trong huyết tương đã tăng đáng kể 39,7% (102,8 so 73,6 µg/mL) sau khi chuyển từ chế độ ăn CP từ 222 xuống 165 g/kg, nhưng cần nhấn mạnh rằng đây là mức tăng threonine tương đối vừa phải.
Nghiên cứu của Chrystal và cộng sự cho thấy tiềm năng của chế độ ăn cơ bản chứa ngô và giảm CP, đồng thời chứng minh được việc giảm lượng khô đậu là hoàn toàn khả thi. Một trong những yếu tố góp phần vào kết quả tích cực này là khẩu phần ăn chứa 14,51 g/kg glycine, tức là bổ sung 3,57 g/kg glycine không liên kết trong chế độ ăn 165 g/kg CP.
Chế độ ăn chứa ngô phù hợp để giảm CP hơn so chế độ ăn lúa mì. Một vấn đề cố hữu là lúa mì thường chứa nhiều protein hơn ngô, trong nghiên cứu này, lúa mì và ngô chứa lần lượt chứa 107 và 81 g/kg protein.
Kết quả là, chế độ ăn cơ bản lúa mì 165 g/kg CP chứa nhiều axit amin không liên kết hơn (49,39 so 38,49 g/kg) nhưng ít khô đậu hơn (48 so 113 g/kg) so chế độ ăn chứa ngô. Khả năng là cả hai yếu tố đều gây bất lợi cho việc giảm CP trong khẩu phần cơ bản chứa lúa mì.
Tuấn Minh
(Theo Allaboutfeed)