Thưa quý vị bạn đọc!
Một trong những thông tin thu hút sự quan tâm theo dõi của cộng đồng chăn nuôi nhất là đối với người tiêu dùng những ngày qua, đó là một số trang mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật về “trứng gà giả”, “trứng gà 2 lòng đỏ”. Điều này gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất – kinh doanh trứng gia cầm trong nước.
Hiệp hội Gia cầm Việt Nam (VPA) ngay lập tức đã có văn bản gửi Bộ Công an và các cơ quan liên quan, đề nghị phối hợp điều tra, có biện pháp xử lý thích đáng theo quy định pháp luật. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VPA khẳng định: “Ở Việt Nam các cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng chưa phát hiện ra trường hợp nào sản xuất lưu thông trứng gà giả trên thị trường và cho đến nay trên thế giới cũng chưa có nước nào sản xuất được trứng gà nhân tạo có các đặc điểm sinh học và giá trị dinh dưỡng tương tự như quả trứng tự nhiên”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Chúng tôi đã làm việc với Cục C05 và gửi văn bản đến Bộ Công an đề nghị điều tra, làm rõ các thông tin sai lệch. Trước pháp luật, những cá nhân, tổ chức tung tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho ngành sản xuất và đời sống nông dân sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định”.
Mặc dù là ngành hàng đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu ngành chăn nuôi, nhưng chăn nuôi gia cầm đang phải đối diện với vô vàn thách thức. Chia sẻ tại Hội nghị “Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững” ngày 22/5; Chủ tịch VPA Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, hiệu quả chăn nuôi gia cầm đang giảm dần, hệ thống ngành chăn nuôi gia cầm hiện vẫn bị cắt khúc, thiếu sự gắn kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị; cạnh đó, sức mua của thị trường trong nước vẫn hạn chế. Theo ông Sơn, để vượt qua khủng hoảng và phát triển bền vững ngành chăn nuôi cần chuyển đổi tư duy từ phát triển sản xuất sang phát triển kinh tế gia cầm, tập trung vào chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng. Việc tổ chức lại hệ thống sản xuất, thương mại và khơi thông thị trường xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp cũng hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần chủ động phối hợp xây dựng chuỗi giá trị gia cầm chính như: Chuỗi thịt gà lông màu phục vụ nội địa, chuỗi gà lông trắng phục vụ xuất khẩu, chuỗi trứng thương phẩm trong nước và chuỗi trứng chế biến phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất chăn nuôi và nhập khẩu chọn lọc các giống ưu việt chưa tự sản xuất được, nhằm phục vụ cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Số phát hành kỳ tháng 5 của Tạp chí Thế giới Gia cầm đã dành nhiều dung lượng cho vấn đề này, mời quý độc giả đón đọc!
Là một trong những dòng hàng có nhiều lợi thế của ngành gia cầm đó là sản phẩm yến, nhóm hàng này đang ngày một phát huy thế mạnh không chỉ tại thị trường nội địa mà đã vươn mình ra thế giới. Đặc biệt, mới đây Nghị định thư xuất khẩu tổ yến giữa Việt Nam và Trung Quốc (bao gồm cả tổ yến sạch và tổ yến thô) thay thế cho Nghị định thư năm 2022 được ký kết, mở ra cơ hội rất lớn để nước ta xuất khẩu yến chính ngạch sang thị trường tỷ dân này.
Ngoài những thông tin “nóng” trên, như thường lệ, Tạp chí Thế giới Gia cầm tiếp tục cập nhật diễn biến thị trường chăn nuôi gia cầm trong nước, quốc tế, những công nghệ kỹ thuật cùng mô hình sản xuất tân tiến… Mời quý độc giả đón đọc.
Để đặt mua báo. Xin liên hệ:
Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:
Ngọc Ánh: 0963 555 554
Email: phathanhtggc@gmail.com
Giá bán Tạp chí Thế giới Gia cầm bản giấy là: 30.000 VNĐ/cuốn
Trân trọng!
Ban Biên Tập